Việt Nam điều trị khỏi cho 222/268 bệnh nhân mắc COVID-19
PLBĐ - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa cho biết, sẽ có thêm 6 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay (22/4/2020).
Các bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm: Bệnh nhân số 184 (BN184), BN215, BN216, BN227, BN246, BN266. Cụ thể:
1. BN184: 42 tuổi, nữ, địa chỉ Diễn Châu, Nghệ An.
- Vào viện ngày: 28/3/2020
- Xét nghiệm: 2 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tim đều, phổi không rale, bụng mềm, không chướng.
2. BN215: 31 tuổi, nam, địa chỉ Đống Đa, Hà Nội.
- Vào viện ngày: 01/04/2020
- Xét nghiệm: 2 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không ho, không khó thở. Tim đều, phổi không rale.
3. BN216: 48 tuổi, nữ, địa chỉ Quảng Ninh, Quảng Bình.
- Vào viện ngày: 31/3/2020
- Xét nghiệm: 3 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Phổi không rale.
4. BN227: 31 tuổi, nam, địa chỉ Long Biên, Hà Nội.
- Vào viện ngày: 1/4/2020
- Xét nghiệm: 2 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho. Tim đều, phổi không rale. Toàn trạng ổn định.
5. BN246: 33 tuổi, nam, địa chỉ Yên Thành, Nghệ An.
- Vào viện ngày: 06/04/2020
- Xét nghiệm: 2 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, ko khó thở, không ho. Dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rale.
6. BN266: 36 tuổi, nữ, địa chỉ Thường Tín, Hà Nội.
- Vào viện ngày: 14/4/2020
- Xét nghiệm: 2 lần âm tính
- Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không đau ngực, không khó thở, không sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 222 ca mắc COVID-19 (chiếm 83% tổng số bệnh nhân). 46 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế trên cả nước. Đã có nhiều ca bệnh có kết qủa xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với SARS-CoV-2. 3 bệnh nhân diễn biến nặng (BN20, BN91, BN161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến đến thời điểm này, cả nước vẫn giữ nguyên 268 trường hợp mắc COVID-19. Không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ chiều ngày 16/4/2020.
Trong 268 ca mắc có: 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.022 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 358 người; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263 người; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401 người.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong những ngày qua, số bệnh nhân COVID-19 vẫn dừng lại ở con số 268 bệnh nhân. "Đây là tín hiệu vui nhưng không vì thế mà chủ quan. Dịch bệnh diễn biến khó dự đoán, còn kéo dài, nguy cơ dịch tại nước ta vẫn còn hiện hữu", PGS Phu cảnh báo. Ông Phu cho biết, nước ta vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh trong cộng đồng.
Theo TS Phu, dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp (tăng nhanh số ca mắc và tử vong) và kéo dài. Nếu chúng ta không quản lý hết 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Như ca mắc mới đây tại Hà Giang là một ví dụ. Bệnh nhân trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp với Trung Quốc.
Ngoài ra, theo ông nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện, ngành y tế không thể kiểm soát được. Như vậy vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Tại Trung Quốc hiện vẫn còn ghi nhận ca bệnh.
Khác với ở ổ dịch được cách ly, phong toả sau 28 ngày có thể kiểm soát 100%, nhưng ở ngoài cộng đồng, chỉ bỏ sót một đối tượng cũng thể khiến dịch bùng lên. Trong khi đến nay không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết.
Vì thế, chuyên gia khuyên người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế. Người dân cần đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế.
T.H (th)