Liên tiếp những vụ trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột gây hậu quả đau lòng

Thanh Hải 16/04/2020 17:22

PLBĐ - Vụ việc 2 cháu nhỏ ở Tuyên Quang uống nhầm ống thuốc chuột khiến 1 bé tử vong, 1 bé nguy kịch đang khiến dư luận không khỏi xót xa. Trước đó, cũng đã có không ít trường hợp tương tự gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 16/4, Bệnh viện Đa hhoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp uống nhầm thuốc diệt chuột.

Theo đó, vào 17h ngày 15/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi Đ.V.A (7 tuổi) và Đ.T.M (5 tuổi) là 2 anh em ruột, cùng trú tại phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang.

2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì, gọi hỏi không biết, da xanh tái, lạnh. Ngay lập tức cả 2 được cấp cứu, rửa dạ dày, thở máy, chống co giật, bù dịch.

Mặc dù các y, bác sĩ đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch, 1 bệnh nhi đã tử vong. Bệnh nhi còn lại được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Theo gia đình các bệnh nhi, cha mẹ hai bé gửi con sang nhà ông bà trông nom trong thời gian cả 2 nghỉ học tránh dịch. Trước khi nhập viện 30 phút, gia đình phát hiện 2 bé nôn nhiều, mệt…, hỏi mới biết các bé đã tự bắc ghế lên để lấy lọ nước màu đỏ (dùng để diệt chuột) trên thành cửa sổ uống. Ngay sau đó, gia đình đã tức tốc đưa các bé đến bệnh viện cấp cứu.

Capture
Lọ thuốc diệt chuột có màu sắc bắt mắt khiến trẻ nhỏ rất dễ nhầm lẫn giống các lọ nước uống. (Ảnh minh họa)

Được biết, đây không phải là trường hợp trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột hiếm hoi. Vào tháng 3/2020 vừa qua, tại Thanh Hóa một cháu bé 2 tuổi cũng suýt mất mạng vì uống nhầm thuốc diệt chuột. 

Cụ thể, gia đình bé kể, khoảng 17h ngày 25/3, cháu có uống nhầm thuốc diệt chuột (màu đỏ, nguồn gốc Trung Quốc) không rõ số lượng. Sau 1 giờ cháu xuất hiện nôn mửa, gia đình cho cháu nhập viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia cấp cứu rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch thải độc.

Sau 3h, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, hôn mê nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng rất nặng như ý thức hôn mê, co giật toàn thân, tím tái, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột giờ thứ 6. Bệnh nhi lập tức được các y bác sỹ xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị thải độc theo phác đồ Bộ Y tế.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, cháu bé được ra viện với tình trạng sức khỏe ổn định. 

Capture
Cháu bé 2 tuổi được cứu sống sau khi uống thuốc diệt chuột. (Ảnh: Vietnamnet)

Trước đó, vào tháng 12/2019, một cháu bé ở Quảng Ninh cũng đã uống nhầm thuốc diệt chuột do tưởng là kẹo.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, do gia đình chủ quan không cất lọ thuốc diệt chuột cẩn thận nên cháu N.H.A (5 tuổi, trú tại xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) đã lấy ra uống thử.

anh_5_vgpl_thumb
Cháu bé 5 tuổi uống nhầm thuốc trừ sâu vì tưởng là kẹo. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Sau khi uống nhầm thuốc diệt chuột, bé có biểu hiện đau miệng và nôn ra thức ăn. Ngay lập tức, gia đình đưa trẻ đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều và chuyển tiếp lên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh).

Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính và theo dõi tại Khoa Nhi Bệnh viện. Sau một thời gian điều trị sức khỏe của cháu N.H.A đã ổn định.

Cách xử lý để kịp thời cứu mạng trẻ khi uống nhầm thuốc diệt chuột?

Theo các bác sĩ, các loại thuốc chuột trên thị trường hiện nay hầu hết có chất độc warfarin. Chất này gây xuất huyết khi sử dụng quá liều như xuất huyết chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ… thậm chí là ngộ độc tuần hoàn, thần kinh và tổn thương hô hấp và tử vong.

Thời gian "vàng" để cấp cứu trong trường hợp ăn hay uống nhầm thuốc diệt chuột là 6 tiếng. Nạn nhân cần được sử dụng các biện pháp ngăn ngừa hấp thu chất độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt và sử dụng chất giải độc đặc hiệu (vitamin K) càng sớm càng tốt.

Bác sĩ khuyến cáo cách xử trí trẻ ăn nhầm các loại thuốc như sau: Nếu trẻ còn tỉnh cha mẹ hãy gây nôn để tống khứ những gì đã ăn nhầm ra ngoài. Nếu không thể nôn khan hãy cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trường hợp trẻ đã mê man, bất tỉnh thậm chí co giật thì không gây nôn mà gọi người đưa nạn nhân tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt chuột, diệt cỏ và các loại thuốc độc có màu sắc bắt mắt, hình thù giống kẹo và có mùi thơm khiến trẻ em nhầm tưởng là đồ ăn được. Do đó, cha mẹ cần chủ động hướng dẫn con cách phân biệt, chỉ cho trẻ biết vị trí để thuốc chuột khác với vị trí để đồ ăn.

 T.H (th)

Thanh Hải