3 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ổn định, một số trường hợp diễn biến xấu
Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, tính đến sáng ngày 24/3, tình trạng 3 bệnh nhân nặng ổn định, một số bệnh nhân có thể diễn biến nặng hơn. Ngành y tế đang sẵn sàng, chủ động nếu diễn biến của các bệnh nhân xấu hơn, sẽ hạn chế tối đa tình trạng tử vong do COVID-19.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho phóng viên biết về tình hình sức khỏe của 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng. Theo đó, 1 người phải chạy hệ thống ECMO, 2 người phải thở máy, cả 3 bệnh nhân đều suy hô hấp và phải lọc máu liên tục. Đây là những chỉ định điều trị hiện đại nhất hiện nay, Thứ trưởng Y tế thông tin.
Ba bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng gồm nam bệnh nhân người Anh (69 tuổi), bệnh nhân nữ người Việt - 64 tuổi, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm nam bệnh nhân 54 tuổi diễn biến nặng, phải thở máy. Ngoài ra, có thêm 7 bệnh nhân có diễn biến nặng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: "Chúng tôi xác định đây là những bệnh nhân nguy kịch, khả năng tử vong hoàn toàn có thể xảy ra. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đang tập trung nguồn lực là các bác sĩ giỏi nhất, hệ thống máy móc hiện đại nhất, tiên tiến nhất để phục vụ cứu chữa người bệnh. Đến sáng nay (24/3), tình hình bệnh nhân chưa cải thiện nhưng vẫn ổn định, so với mức thở máy. Một số bệnh nhân có thể có diễn biến nặng hơn”.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các cơ sở y tế tổ chức theo dõi bệnh nhân kỹ hơn, đặc biệt là ở thời điểm từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 - theo y văn là thời điểm dễ suy hô hấp ở người bệnh. "Ngành Y tế sẵn sàng chủ động có diễn biến xấu ở bệnh nhân khác xảy ra", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Ngành y tế đã dồn hết mọi nguồn lực tốt nhất để phục vụ người bệnh COVID-19. Tuy nhiên diễn biến của bệnh COVID-19 trên thế giới, một số bệnh nhân sẽ có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong sẽ cao. Tại Việt Nam cũng vậy, sẽ có một số bệnh nhân diễn biến nặng, khả năng suy hô hấp không hồi phục hay tử vong đều có thể xảy ra, điều này đã nằm trong tiên lượng của ngành y tế.
“Chúng ta cố gắng tập trung hết sức vào điều trị cho người bệnh. Ngành Y tế cố gắng hạn chế tối đa tử vong nếu có ở Việt Nam. Đây là cam kết của Bộ Y tế với Đảng, Chính phủ và nhân dân, chúng tôi tập trung tất cả mọi nguồn lực để cố gắng không xảy ra tử vong và nếu tử vong cũng hạn chế ở mức thấp nhất”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh COVID-19 cần chủ động phòng lây nhiễm
Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo các nhân viên y tế cần chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm COVID-19 từ người bệnh.
Theo PGS TS Nguyễn Trường Sơn, các y bác sĩ trong quá trình theo dõi, chăm sóc người bệnh COVID-19 là những chiến sĩ hàng đầu trên trận tuyến. Việc lây nhiễm cho nhân viên y tế ảnh hưởng tới công tác chăm sóc người bệnh.
Sau khi có 2 điều dưỡng ở Trung tâm truyền nhiễm, BV Bạch Mai và 1 bác sĩ ở phòng cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới nhiễm COVID-19 trực tiếp từ bệnh nhân trong quá trình điều trị cho người bệnh, Bộ Y tế đã có có văn bản gửi các Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân mắc COVID-19.
“Chúng tôi khuyến cáo tất cả các đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh thì rất dễ nhiễm, phải chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm bệnh bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng khuyến cáo, các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng vì đây có thể là nguồn bệnh chúng ta chưa phát hiện ra.
Người dân có thể sử dụng khẩu trang vải nhường khẩu trang y tế cho bác sĩ
Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang vải ba lớp, bốn lớp ngăn ngừa giọt bắn, kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh nên người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.
“Trong thời điểm khó khăn này bà con nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế trong công tác tiếp xúc, thu dung điều trị người bệnh sẽ an toàn cho nhân viên y tế hơn. Chính sự an toàn của nhân viên y tế giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Y tế cho biết thêm, Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống quốc gia có kế hoạch mua sắm đầy đủ với khoảng gần 4000 máy thở, ngành y tế đã có kế hoạch và ký hợp đồng mua sắm được khoảng hơn 5 triệu khẩu trang trong dự trù là 30 triệu khẩu trang mua mới.
Ngành y tế hy vọng với sự đóng góp của cộng đồng qua Ủy ban mặt trận Tổ quốc là nguồn lực giúp ngành y tế có thể mua đầy đủ số lượng dự trữ.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)
https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-y-te-nganh-y-te-van-dang-chu-dong-truoc-nhung-dien-bien-cua-cac-benh-nhan-mac-covid-19-n170828.html