Kiến nghị xử lý hành vi che giấu, không tố giác người đốt pháo
Tại Dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng pháo, Bộ Công an kiến nghị xử lý hành vi che giấu, không tố giác hoặc giúp người khác đốt pháo.
Bộ Công an vừa hoàn thành Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng pháo để lấy ý kiến đóng góp của người dân nhằm tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, sử dụng pháo, đặc biệt là xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Theo đó, Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định gồm: dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo.
Tại Điều 8 của dự thảo này, Bộ Công an đề xuất nghiêm cấm hành vi che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép.
Cũng tại Điều 8 ở khoản 5 quy định bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoặc thuốc pháo, thiết bị, phụ kiện để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Vụ đốt pháo ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) vào ngày 1/3 khiến dư luận bức xúc trước thái độ coi thường pháp luật, vi phạm Nghị định số 36 về quản lý, sử dụng pháo.
Bộ Công an nhận định, đến nay sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 36, công tác quản lý, sử dụng pháo đạt được những kết quả quan trọng, tác động tích cực lớn đến đời sống nhân dân.
Từ khi thực hiện Nghị định 36, lực lượng chức năng vận động người dân giao nộp 29.733,28kg pháo, phát hiện 19.229 vụ, bắt giữ 23.703 người, thu hơn 369 tấn pháo các loại.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định số 36 bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.
Bởi vậy, Bộ Công an dự kiến trình Chính phủ xem xét cho ý kiến và thông qua Nghị định về quản lý, sử dụng pháo vào Quý IV/2020, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ.
Dự thảo được lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 11/5 và trình Chính phủ xem xét vào Quý IV/2020. Nghị định mới dự định có hiệu lực từ 1/1/2021.
(Theo VTC News)
https://vtc.vn/ban-tin-113-online/kien-nghi-xu-ly-hanh-vi-khong-to-giac-nguoi-dot-phao-ar532837.html