Không khai báo tình trạng sức khỏe khi về từ vùng dịch bị xử thế nào?

Thanh Hải 07/03/2020 19:02

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17 và là ca đầu tiên tại Hà Nội đã có biểu hiện ho từ ngày 29/2 khi còn ở Anh nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, bệnh nhân đau mỏi người, không rõ sốt và đáp máy bay về nước.

Đến ngày 2/3, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ nhưng không đi khám. Cho đến khi sốt liên tục kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi vào ngày 5/3, bệnh nhân này mới đi khám và sau đó phát hiện nhiễm virus corona.

Theo Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, nữ bệnh nhân này nhận thức bản thân có khả năng nhiễm bệnh và gây bệnh nên chủ động, không tiếp xúc với nhiều người nhưng lại không chủ động khai báo với cơ quan chức năng.

Việc nữ bệnh nhân nhiễm virus corona không chủ động khai báo với cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng nhiều người không biết và đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân dẫn đến phải cách ly hàng loạt người và cả khu phố nơi bệnh nhân cư trú.

Vi phạm điều cấm

Điều 8 luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi như: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm...

Capture
Lực lượng chức năng khử trùng phố Trúc Bạch, nơi nữ bệnh nhân nhiễm corona cư trú. Ảnh: Đoàn Bổng

Việc cố ý lây lan, không khai báo kịp thời cũng như trốn tránh cách ly khiến làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ.

Cụ thể, khoản 2 điều 6 Nghị định 176/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào thực hiện che giấu hiện trạng truyền nhiễm nhóm A (có bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona) của bản thân hoặc người khác sẽ bị phạt tiền từ 5 trăm đến 1 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị phạt theo điều 240 bộ luật Hinh sự năm 2015.

Cụ thể, phạt tù từ 1- 5 năm hoặc phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng đối với các trường hợp:

- Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

- Đưa ra hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm của động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

- Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Trong đó, hành vi khác có thể là không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không tiến hành cách ly người bị nhiễm bệnh... khiến dịch bệnh dễ dàng bị lây lan...

Phạt tù từ 5 - 10 năm đối với các trường hợp:

- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế.

- Làm chết người.

Phạt tù từ 10 - 12 năm đối với các trường hợp:

- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

- Làm chết 2 người trở lên

Như vậy, hành vi của nữ bệnh nhân tnhiễm virus corona tối qua đã vi phạm hành vi nghiêm cấm, quy định tại điều 8 luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007: "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật".

(Theo Vietnamnet)

https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/khong-khai-tinh-trang-suc-khoe-khi-ve-tu-vung-dich-corona-bi-xu-the-nao-622304.html

Thanh Hải