Nữ sinh lớp 10 bị phát bệnh dại rồi tử vong thương tâm

Thanh Hải 29/02/2020 10:44

PLBĐ - Một nữ sinh lớp 10 ở Bình Định nghi bị phát bệnh dại rồi tử vong thương tâm sau gần 1 tháng bị chó lạ lao vào nhà tấn công.

Mới đây, diện lãnh đạo UBND xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc một nữ sinh lớp 10 bị  tử vong nghi do bị chó dại cắn.

Theo đó, dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, một con chó (không rõ chủ nhân) bất ngờ chạy vào nhà và cắn vào người em B.T.N.Y. (16 tuổi, trú xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước - là học sinh lớp 10 Trường THPT số 1 Tuy Phước).

Sau khi xảy ra cụ việc, gia đình đã chủ quan, nghĩ chỉ là vết cắn nhỏ nên không đưa em đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Đến sáng ngày 27/2, em Y. có những biểu hiện bất thường như: sợ nước, sợ ánh sáng, bò dưới nền nhà và la hú… Thấy vậy, gia đình đã đưa em Y đến Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước cấp cứu.

Nhận thấy em Y. có triệu chứng của bệnh dại do virus nên Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước khẩn trương chuyển em lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng nên đến 20h cùng ngày em Y. đã tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức đến thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình nạn nhân.

bi-cho-dai-can-mot-nguoi-dan-ong-thiet-mang
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 23/2, tại Đắk Lắk một người đàn ông cũng phát bệnh và tử vong sau 10 ngày bị chó dại cắn.

Người bị chó dại cắn là ông Nguyễn Hữu Ph. (59 tuổi, trú thôn Tân Lập 2, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk).

Theo lời kể của người nhà nạn nhân, sau 10 ông Ph. bị chó dại đã lên cơn sốt, có nhiều biểu hiện bất thường nên người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, khi gia đình đưa nạn nhân đến bệnh viện thì bệnh tình của nạn nhân đã nặng nên không qua khỏi.

Vào tháng 12/2019, một bé gái 4 tuổi ở Thái Nguyên cũng nguy kịch vì bị chó Pitbull cắn đứt khí quản.

Theo đó, khoảng 18h30 ngày 27/12, Khoa Cấp cứu bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận trường hợp cháu bé 4 tuổi bị chó Pitbull tấn công, làm rách vùng cổ ngực, đứt khí quản, cánh tay trái chảy máu nhiều.

Cùng thời điểm tấn công cháu bé, chó Pitbull này còn tấn công cả mẹ cháu và chủ nhà. Mẹ bệnh nhi cũng phải nhập viện trong tình trạng vết thương rách sâu vùng trán.

Cách xử lý khi bị chó cắn

Sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn

- Khi bị chó cắn cần nhanh chóng đến vòi nước chảy mạnh rồi nhẹ nhàng rửa vết thương bằng xà phòng (lưu ý không được rửa, chà xát vết thương quá mạnh), hoặc có thể dùng nước muối đậm đặc, dung dịch sát khuẩn như cồn... để rửa vết thương.

- Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.

- Trong trường hợp nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, máu phun thành tia thì dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

- Với những vết cắn sâu, phải đợi 3 ngày sau mới được khâu vết thương. Ngay cả khi chó đã được tiêm phòng dại.

Tiêm huyết thanh và vacxin phòng dại

- Cần tiêm ngay vacxin phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

Vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Khi bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo... cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.

- Không tiêm ngay mà cần theo dõi sau 15 ngày với các trường hợp sau:

Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.

Chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh chó mèo.

Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường thì không cần phải tiêm phòng dại.

Nếu đưa nạn nhân đi tiêm muộn sau khi bị chó dại cắn thì huyết thanh sẽ không còn có tác dụng chỉ có thể tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Lưu ý: Cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình và liều lượng tiêm được bác sĩ chỉ định.

T.H (th)

Thanh Hải