Nghẹn lòng cảnh cậu bé mồ côi chăm ông bệnh tật sống lay lắt
Bố bị tai nạn qua đời khi Việt mới được 9 ngày tuổi. Tròn tháng, mẹ con Việt dắt díu nhau về nương nhờ ông bà ngoại nghèo khó. Nghiệt ngã thay, người mẹ cũng qua đời sau cơn bạo bệnh. Từ đó, Việt trở thành đứa trẻ mồ côi, ngày ngày giúp bà ngoại chăm ông trong cảnh khốn khó đến cùng cực.
Một ngày cận tết, trời mưa rả rích, gió mùa đông bắc rít từng hồi khiến cái rét cuối năm càng thêm buốt giá. Đúng hôm ấy, chúng tôi tìm về khu 16, (xã Đồng Lương, huyện Cẩm khê, tỉnh Phú Thọ) thăm cậu bé mồ côi Bùi Quốc Việt.
Mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tính mạng anh Quỳnh thường xuyên bị đe dọa, nhất là khi trời trở rét đột ngột.
Hôm nay bà phải ra đồng làm mạ, cháu 8 tuổi ở nhà chăm ông. Tưởng ông chết, thằng bé được một phen hoảng hồn.
Con đường mòn ngoằn ngoèo men theo các sườn đồi dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ của ông bà ngoại cậu bé. Trước mặt chúng tôi là một cây cầu được làm bằng những phên tre đã cũ mục, tiếp đến là một con dốc nhỏ trơn tuột, nhầy nhụa.
Vừa bước chân đến đầu ngõ, cậu bé chừng 8 đến 9 tuổi hớt hải từ trong nhà chạy ra, vừa chạy vừa kêu thất thanh “ông cháu sắp chết rồi...!”. Lúc đó, chúng tôi cùng một số người hàng xóm nghe tiếng, không ai bảo ai, chạy thật nhanh vào nhà mà quên đi mất con dốc trơn trượt và bên cạnh là một cái ao.
Bên trong căn nhà cũ kĩ là một cảnh tượng vô cùng xót xa! Trên chiếc giường ọp ẹp bừa bộn chăn chiếu, một người đàn ông gày gò ốm yếu khó đoán tuổi đang ôm ngực ho sặc sụa, sau mỗi cơn ho kéo dài thì 2 mắt anh lại lồi ra, bọt mép sùi ra thấm xuống chăn.
Bé Bùi Quốc Việt (sinh năm 2012) đã sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Dứt cơn ho, với những hơi thở khó nhọc, đứt quãng, anh Bùi Văn Quỳnh năm nay mới ở tuổi ngoài 50 mà chúng tôi cứ ngỡ như ông cụ 70 tuổi. Anh bị mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã lâu.
Khó nhọc chống tay xuống giường, gượng ngồi dậy, giọng thều thào: “Tôi mới ở viện về, bác sĩ dặn phải cẩn trọng sức khỏe mỗi khi gió mùa về. Trời trở rét từ đêm qua, cả đêm bà ấy thức cùng tôi, sáng sớm nay bà nó lại phải ra đồng để che phủ đám mạ mới gieo, không thì nó chết mất vì sương muối mất. Nên để thằng bé Việt ở nhà chăm sóc ông, vừa rồi tôi không thở được thằng bé tưởng ông chết, chạy ra ngoài kêu cứu…”.
Nhìn thể trạng anh Quỳnh tiều tụy không còn sức sống, chúng tôi không khỏi lo lắng. Cũng tại cái nghèo cái đói mà mạng sống con người quá đỗi mong manh!
Để nuôi cháu, người bà ngoại (chị Nguyễn Thị Đào, 54 tuổi) này nhiều năm nay dựa vào công việc bẻ măng rừng.
Lúc này chị Đào (vợ anh Quỳnh), cùng vừa chạy về đến nhà. Người phụ nữ dáng vẻ lam lũ, quần vắn ông thấp, ống cao, dính đầy bùn đất, chị thở như đứt hơi và bảo, chị đang ở ngoài đồng, nghe có người báo ông ấy lại nghẹn thở nên chạy một mạch về nhà vì sợ...ông ấy có mệnh hệ gì thì bà cháu biết làm sao.
Nói rồi, chị Đào lấy tay vỗ vỗ vào lưng cho chồng dễ thở, rồi ngồi một lúc, sức khoẻ anh Quỳnh đã khá hơn, hơi thở đã đều trở lại, mặc dù vẫn còn những cơn ho tưởng như xé toang cổ họng.
Sau khi cho chồng uống chút nước ấm, chị Đào quay sang tâm sự với chúng tôi câu chuyện buồn của gia đình mình: do nghèo khó, nên các con của anh chị không được học hành đến nơi đến chốn, mà sớm phải làm lụng kiếm sống.
Gần đây bệnh của chồng trở nặng, khoản “thu nhập” từ măng rừng cũng không còn, khiến cho cuộc sống của gia đình chị Đào vốn đã khó khăn, nay lại chật vật hơn gấp bội.
Trong suy nghĩ của cậu bé lớp 3 này, người mẹ của em chỉ đi đâu đó, rồi lại trở về với em.
Đứa con trai đầu (sinh năm 1992), do sinh non, nên trưởng thành rồi mà chỉ nặng khoảng 40 cân, theo người họ hàng làm thuê ở Hà Nội, sức yếu nên nuôi thân còn khó, nói chi đến việc giúp bố mẹ.
Đứa con gái út (sinh năm 1997) thì sớm lấy chồng xa nhà, khi gặp và nên duyên với một chàng trai cùng cảnh làm thuê trong một quán cơm ở thành phố.
Nói đến người con gái bạc mệnh, người mẹ này ứa nước mắt nghẹn ngào: “2 đứa nó gặp nhau khi cùng làm thuê ở Hà Nội, khi ấy con bé mới 17 tuổi, không đăng ký kết hôn được. Thằng bé Việt ra đời được 9 ngày, thì bố cháu bị tai nạn tử vong ngay tại chỗ. Cháu được 1 tháng thì vợ chồng tôi đón mẹ con nó về nhà.
Năm kia (2018) mẹ cháu lại bị bệnh mà chết khi đang làm giúp việc ở Hà Nội, khổ thân cháu tôi lớn lên không biết mặt cha, giờ mẹ cũng không còn...”, ôm ghì lấy đứa cháu tội nghiệp, chị Đào khóc nấc lên.
Đường đời thì còn dài, trong khi ông bà ngoại quá nghèo khó lại bệnh tật bủa vây, tương lai đứa trẻ mồ côi này sẽ ra sao?!...
Nhà chỉ có hơn 2 sào ruộng lúa, để trang trải cuộc sống và nuôi cháu, chị Đào không có nghề nào khác ngoài việc lên rừng bẻ măng nứa về bán. Mỗi khi đi rừng, thường chị rời nhà từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới trở về, gùi măng chị kiếm được cũng chỉ bán được vài chục ngàn đồng…
Mấy năm gần đây bệnh của anh Quỳnh trở nặng, chị Đào không còn đi rừng được nữa. Khoản thu nhập từ hái măng rừng cũng không còn, cuộc sống của gia đình chị Đào vốn dĩ đã khó khăn, nay lại chật vật hơn gấp bội.
Tết đến ở đâu đó, nhưng trong gian bếp lạnh ngắt này thì dường như không thấy!...
Trao đổi với anh Bùi Quang Thức trưởng khu 16, anh Thức cho biết: “Hoàn cảnh nhà Quỳnh - Đào là đặc biệt khó khăn ở địa phương, anh Quỳnh mắc bệnh mãn tính sức yếu nên tính mạng thường xuyên bị đe dọa. Cuộc sống của gia đình này vốn đã rất nghèo khó, nay lại phải cưu mang đứa cháu mồ côi ăn học lại càng khó khăn hơn. Qua đây, tôi mong muốn các nhà hảo tâm giúp anh chị ấy, nhất là thằng bé Việt để cháu nó có một tương lai tốt đẹp hơn…”.
Ngoài kia không khí tết đã tràn ngập khắp nơi, nhưng điều đó lại không hiện diện nơi đây, nhìn cái gian bếp lạnh ngắt nhà chị Đào mà tôi thấy nao lòng. Dường như hiểu được những suy nghĩ trong tôi, chị Đào cúi mặt buồn bã: “Sắp tết rồi, cũng muốn mua cho cháu nó cân thịt, cái bánh chưng để thằng bé đỡ tủi, nhưng giờ không biết kiếm đâu ra?”
(Theo Dân trí)
https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/nghen-long-canh-cau-be-mo-coi-cham-ong-benh-tat-song-lay-lat-20200123081143242.htm