Nguy cơ bệnh thủy đậu tăng nhanh sau Tết

Thanh Hải 18/01/2020 20:03

Theo PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh thủy đậu thường tăng nhanh trong các tháng sau Tết. Vì thế, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đi tiêm phòng thủy đậu.

PGS Huy cho biết thủy đậu do virus Varicella Zoster gây nên, tuy lành tính nhưng nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách, có thể bị nhiều biến chứng. Bệnh cũng gây phiền toái cho người xung quanh vì tốc độ lây lan nhanh và rộng, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, văn phòng… thông qua tiếp xúc với người bệnh, hắt hơi hoặc tiếp xúc bằng tay với các vật dụng của người bệnh. Thậm chí, ngay cả khi đã hết bệnh, virus thủy đậu có thể vẫn tồn tại gây ra sang thương của bệnh zona những năm về sau.

Những biểu hiện đầu tiên của bệnh thường là trẻ quấy khóc, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi, sốt và 1-2 ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước ban đầu nhỏ như các loại ban thông thường ở vùng ngực, bụng, lưng, mặt, chân và nhất là ở vùng da đầu. Đặc biệt, các nốt ban gây ngứa, làm bệnh nhân gãi nhiều, làm vỡ các nốt phỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, khi lành sẽ để lại sẹo lõm, dẫn đến mặt rỗ, ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. Nặng hơn, các mụn nước của bệnh thủy đậu gây ra còn là nơi mà vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

PGS Huy nhấn mạnh, tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu và giảm độ nặng của bệnh.Lưu ý khi tiêm thủy đậu, Bác sĩ Phạm Thị Ngoan – Phòng tiêm chủng Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết hiện nay vắc-xin thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó.

Trẻ từ 12 tháng - 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng. Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm được khuyến cáo là: mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.

Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng. Riêng với phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng.

Capture
Bác sĩ Ngoan tư vấn tiêm chủng cho bệnh nhi.

Bác sĩ Ngoan cho biết không tiêm vắc-xin thủy đậu cho bé bị dị ứng với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, nhiễm HIV, có bất thường về máu, đang hóa trị liệu,... Khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu, phụ huynh nên nói rõ cho cán bộ tiêm chủng về tiền sử dị ứng và các bệnh của con mình. Hoãn tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đang bị sốt cao, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, viêm da có mủ, mắc bệnh mãn tính đang tiến triển (lao phổi, viêm thận,...) hoặc trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe.

Không sử dụng vắc-xin thủy đậu cho các đối tượng đang bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tim mạch, rối loạn chức năng gan thận, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các vắc-xin sống khác (vắc-xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,...) trong vòng 1 tháng gần đây.

(Theo Infonet)

https://infonet.vietnamnet.vn/nguy-co-benh-thuy-dau-tang-nhanh-sau-tet-post329691.info

Thanh Hải