Bộ GD&ĐT chính thức "khai tử" quy định về chứng chỉ ngoại ngữ
Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên từ ngày 15/1/2020 sau 26 năm tồn tại.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư yêu cầu bãi bỏ quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6-6-2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2020. Những chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT trước đó thì vẫn có giá trị sử dụng.
Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.
Như vậy, tới đây các trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ phải dừng tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (trình độ A, B, C) mà có thể sẽ cấp theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Hiện có 9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ Huế, Đại học Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ và Đại học Vinh.
Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/1/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C) dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam.
Sau này, dù có nhiều quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ nhưng loại chứng chỉ A, B, C vẫn tồn tại.
Theo phản ánh của báo chí, việc cấp các chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C từ lâu đã bị thả nổi và không đảm báo chất lượng, không phản ánh được thực chất năng lực người học. Nhiều người không có kiến thức về ngoại ngữ nhưng có thể dễ dàng nhận được chứng chỉ bằng cách.. nộp tiền.
Những người đi thi lấy loại chứng chỉ A, B, C này đa phần là giáo viên, hoặc đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức.
(Theo Hoàng Thanh/Infonet)
https://infonet.vn/bo-gddt-chinh-thuc-khai-tu-chung-chi-ngoai-ngu-abc-post322987.info