Bị mẹ kiểm tra điện thoại, bé gái 13 tuổi nhảy từ lầu 8 chung cư

Thanh Hải 22/11/2019 09:16

PLBĐ - Vụ việc bé gái ở TP HCM nhảy lầu tự tử vì giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình, là lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh khi ứng xử với con ở lứa tuổi dậy thì.

Theo Pháp luật TP HCM, ngày 21/11, thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi nữ L.A.Q (trú quận 10) được Bệnh viện Nhân dân 115 chuyển đến vào khuya 20/11.

Thông tin ban đầu, Bệnh viện Nhân dân 115 ghi nhận bé gái bị chấn thương do nhảy từ lầu 8 chung cư. Sau khi khám và kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị dập gan.

be-gai-nhay-lau-8-tu-tu_bgcx
Bé gái đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: H.L)

Hiện, bé gái đã tỉnh táo, được theo dõi sát và điều trị bảo tồn gan. Bệnh viện cũng cử bác sĩ tâm lý để thăm khám, tư vấn cho bé. Trò chuyện với bác sĩ, bé Q. cho biết do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên nhảy lầu tự tử vào lúc 20h30 ngày 20/11.

May mắn là bé không rơi thẳng xuống đất mà rớt xuống mái tôn lầu 2, sau đó rơi xuống đụng xe máy rồi mới tiếp đất.

"Gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị chấn thương do tự tử. Nguyên nhân thường do trẻ đi chơi về trễ và bị bố mẹ la nên có hành động gây hại cho bản thân”, báo Tiền phong dẫn lời bác sĩ CK.I Phạm Hoàng Minh Khôi, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2.

Câu chuyện trên chính là lời cảnh báo tới các bậc cha mẹ khi ứng xử với con trẻ ở lứa tuổi dậy thì.

dien_thoai_VNDY
Cha mẹ không nên xâm phạm quyền riêng tư của con. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với báo Thanh niên, Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ về Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) nhìn nhận sự việc này hết sức nguy hiểm, và cảnh báo các bậc cha mẹ cần dừng lại ngay việc xâm phạm quyền riêng tư của con.

Tiến sĩ Thúy phân tích: “Đây là lứa tuổi dậy thì, đang ở giai đoạn xác lập cái tôi cá nhân nên rất dễ bị tự ái, dễ tổn thương, chỉ cần một sự xâm phạm nhỏ về tinh thần hay thể xác là có thể bùng nổ. Một giáo sư của ĐH Harvard vừa xuất bản cuốn sách Não bộ tuổi teen, ví trẻ ở tuổi này như 'bãi mìn nổ chậm'. Nghĩa là chạm vào sẽ nổ. Hành động cha mẹ kiểm soát điện thoại của con là vô cùng nghiêm trọng, nó như một giọt nước làm tràn ly. Trước đó có thể người mẹ đã có nhiều hành động tương tự mà cô bé này đã từng phản ứng nhưng người mẹ vẫn tiếp tục”.

Theo tiến sĩ Thúy, vì đang trong giai đoạn khẳng định cái tôi, trong khi các con vẫn còn non nớt, chưa đủ tự tin, chưa có đủ trải nghiệm để vững chãi, nên khi bị cha mẹ, người lớn la mắng, kiểm soát lộ liễu hay xúc phạm riêng tư sẽ nảy sinh những suy nghĩ, hành động bột phát tiêu cực, như hành vi tự tử ở trên.

Do đó, các phụ huynh nên quan tâm đến tâm lý của con và có cách xử lý tình huống tế nhị, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.

T.H (th)

Thanh Hải