Người đàn ông bị điện giật tử vong khi chằng chống mái nhà trước bão Nakri

Thanh Hải 10/11/2019 19:42

PLBĐ - Trong lúc chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão số 6, một người đàn ông ở Phú Yên không may bị điện giật dẫn đến tử vong thương tâm.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam ngày 10/11, ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ điện giật làm 1 người chết.

Theo đó, sáng cùng ngày, anh Nguyễn Minh H. (37 tuổi, trú tại thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà) trèo lên mái nhà, dùng bao đất cát gia cố mái tôn nhằm ứng phó bão số 6 (Nakri).

Quá trình chằng chống, anh H. vô tình chạm phải vị trí rò rỉ điện và bị giật chết tại chỗ. Phát hiện tai nạn, gia đình tri hô hàng xóm đến hỗ trợ nhưng không kịp. 

Được biết, thời điểm xảy ra sự cố tại địa phương có mưa to, do dây điện đấu nối vào nhà bị hở nên dẫn đến sự việc đau lòng trên.

2452_1451B7D5-4AA9-4E04-8BA0-C15CADB2786C
Người thân, hàng xóm đau buồn trước cái chết đột ngột của ông Nguyễn Minh Hưởng. (Ảnh: FB)

Chia sẻ với VOV, Ông Thái An Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Hưởng rất khó khăn, đi làm nuôi mẹ già cùng vợ và 3 con còn nhỏ: “Anh Hưởng lo mái tôn bay nên cột dây, đường dây điện trong nhà dính vào mái tôn mà anh không phát hiện ra. Khi anh cột, chằng chéo thì bị điện giật".

Theo Vietnamnet thông tin, vào 18h hôm nay (10/11), bão số 6 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa gây gió mạnh và mưa lớn.

Do ảnh hưởng của bão nên ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9).

Vị trí tâm bão lúc 18h: Khoảng 12,8oN; 110,3oE, ngay trên vùng biển các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 13.

Capture
Gấp rút kè chắn các đoạn kè sạt lở tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). (Ảnh: Vietnamnet)

Dự báo trong những giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 4h sáng mai(11/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông trong tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắk Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.

T.H (th)

Thanh Hải