Việt Nam cấy máy tạo nhịp tim nhỏ như viên thuốc con nhộng

Thanh Hải 08/11/2019 08:06

Loại máy tạo nhịp tim thế hệ mới có kích thước nhỏ như viên thuốc con nhộng với trọng lượng chưa tới 2 g.

TS Phạm Trần Linh, Trưởng khoa C5, Viện Tim mạch quốc gia cho biết, máy tạo nhịp tim mới có trọng lượng nhẹ hơn tới 93% so với máy tạo nhịp tim 2 buồng tim thông thường (28 g).

Thay vì có 2 dây diện cực đặt ở nhĩ phải và thất phải như trước đây, loại máy mới sẽ được đặt nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, đưa vào tim qua ống thông từ tĩnh mạch đùi.

Theo TS Linh, đây là loại máy tạo nhịp tim hiện đại nhất hiện nay, được FDA Hoa Kỳ cấp phép từ năm 2016. Loại máy này có độ bền lên tới 12 năm, tuy nhiên chi phí tương đối cao, khoảng 380 triệu đồng.

viet-nam-cay-may-tao-nhip-tim-nho-nhu-vien-thuoc-con-nhong-1
Máy tạo nhịp tim thế hệ mới có kích cỡ tương đương viên thuốc con nhộng.

Bệnh nhân đầu tiên được đặt máy tạo nhịp tim thế hệ mới tại Viện Tim mạch quốc gia là cụ ông 75 tuổi, vào viện vì nhiễm trùng máy tạo nhịp.

Cách đây hơn 1 năm, bệnh nhân thường xuyên bị ngất, nhịp tim rất chậm, được chẩn đoán bị bloc nhĩ thất hoàn toàn (độ 3). Nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.

viet-nam-cay-may-tao-nhip-tim-nho-nhu-vien-thuoc-con-nhong-3
Máy tạo nhịp tim thế hệ cũ với 2 dây điện cực ở nhĩ phải và thất phải.

Bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp 2 buồng tim thông thường với 2 dây điện cực ở nhĩ phải và thất phải. Sau can thiệp, sức khoẻ bệnh nhân dần hồi phục. Tuy nhiên 2 tuần trước khi nhập viện, vùng ngực trái tại vị trí cấy máy tạo nhịp ở dưới da sưng nề đỏ, đau rát nhiều và chảy mủ, lộ máy tạo nhịp làm bệnh nhân rất khó chịu và mệt mỏi.

Để điều trị, biện pháp duy nhất là tháo bỏ máy tạo nhịp cũ và điều trị nhiễm trùng toàn thân. Tuy nhiên, nếu rút bỏ máy tạo nhịp, tình trạng nhịp tim chậm và bloc nhĩ thất hoàn toàn sẽ quay lại, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Mặt khác, sau khi loại bỏ máy cũ sẽ phải cấy máy tạo nhịp mới với các dây điện cực đưa vào buồng tim ở vị trí khác so với vị trí ban đầu, tiên lượng nguy cơ nhiễm trùng máy tạo nhịp thứ hai rất cao.

Sau hội chẩn, các bác sĩ Viện tim mạch quốc gia lựa chọn giải pháp tháo bỏ máy tạo nhịp cũ cùng 2 dây điện cực đã nhiễm trùng, cắt lọc và điều trị kháng sinh ổ máy cũ dưới cơ ngực trái. Đồng thời đặt máy tạo nhịp tạm thời ngoài da hỗ trợ tim co bóp đảm bảo huyết động cho bệnh nhân.

viet-nam-cay-may-tao-nhip-tim-nho-nhu-vien-thuoc-con-nhong-2
Ekip bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim cho nam bệnh nhân 75 tuổi.
viet-nam-cay-may-tao-nhip-tim-nho-nhu-vien-thuoc-con-nhong
Hình ảnh máy tạo nhịp tim nhỏ xíu ở thất phải.

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, ổ máy cũ đã sạch. Lúc này, với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của BS Zulkeflee Muhammad, Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, các bác sĩ Việt Nam đã đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây vào thẳng buồng thất phải để tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân, tránh nguy cơ nhiễm tùng tái phát ổ máy tạo nhịp dưới da. Sau khi đặt máy, nhịp tim của bệnh nhân đã ổn định, xuất viện sau 1 ngày.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch quốc gia cho biết, các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số tử vong.

Chỉ riêng tại Viện Tim mạch quốc gia, mỗi năm điều trị nội trú cho gần 30.000 bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng phức tạp, khám ngoại trú cho hàng trăm nghìn lượt, siêu âm tim cho trên 60.000 lượt.

Trong đó 3 chuyên khoa: Tim mạch can thiệp, Phẫu thuật tim mạch và Cấp cứu - chăm sóc tích cực tim mạch, mỗi năm thực hiện can thiệp cho hơn 12.000 lượt bệnh nhân. Ngoài ra có hơn 1.000 bệnh nhân được mổ tim hở thay van tim, bắc cầu nối chủ vành, sửa chữa các cấu trúc tim... trong đó có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới.

Viện Tim mạch quốc gia cũng được biết đến là trung tâm hàng đầu trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến cho cả nước về chuyên ngành tim mạch, là nơi tiên phong thực hiện hàng loạt can thiệp tim mạch phức tạp như can thiệp nong động mạch vành bằng bóng qua da đầu tiên (1996), can thiệp đặt stent động mạch vành đầu tiên (1997), điều trị rối loạn nhịp đầu tiên sử dụng năng lượng sóng RF (1998), ca cấy máy phá rung tự động điều trị đột tử (1999), mổ tim hở đầu tiên (2002), cấy máy tái đồng bộ tim (2005), can thiệp sửa van hai lá qua da đầu tiên tại Việt Nam (2014)...

(Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet)

Thanh Hải