Trải nghiệm dịu êm, bất ngờ của sản phụ sinh con tại BV Từ Dũ
Nghe những bản nhạc hòa tấu, sản phụ sẽ được thư giãn, không còn chịu áp lực bởi tiếng loảng xoảng của dụng cụ phẫu thuật hay tiếng tít tít từ máy móc.
Từ 3 ngày nay, sản phụ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) có những trải nghiệm mới: Nghe nhạc trong lúc gây tê mổ lấy thai.
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho biết khi nghe những bản nhạc hòa tấu, sản phụ sẽ được thư giãn, không còn chịu áp lực bởi tiếng loảng xoảng của dụng cụ phẫu thuật hay tiếng tít tít từ máy móc. Chính điều này cũng khiến các sản phụ rất bất ngờ.
Không ít sản phụ khi bước vào cuộc mổ rất lo sợ, dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp, tăng nhịp tim... các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ đã cho sản phụ được thư giãn bằng các bản nhạc hoà tấu.
Được nghe nhạc khi sinh mổ là trải nghiệm bất ngờ với nhiều sản phụ ở Bệnh viện Từ Dũ.
Ngay khi mổ bắt con ra khỏi bụng mẹ, lúc này các bác sĩ sẽ tháo tai nghe ra để mẹ nghe tiếng con khóc chào đời, biết con khỏe mạnh. Sau đó, khi sản phụ được ôm con trong tâm thế da kề da, những bản nhạc hòa tấu tiếp tục được ngân nga để mẹ an tâm qua hết cuộc mổ.
Bệnh viện Từ Dũ cho biết mô hình này bắt đầu từ 4/11, vừa triển khai vừa thăm dò cảm xúc, đánh giá của sản phụ khi vừa được mổ, vừa nghe nhạc. Thời gian tới đây, “nghe nhạc trong khi được mổ” sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.
Các bác sĩ lắp tai nghe cho sản phụ khi đang mổ.
Hiện nay đã có 5 phòng mổ được trang bị tai nghe cho sản phụ khi phẫu thuật. Dự kiến sẽ có 15 tai nghe được trang bị. Sản phụ được tư vấn về việc sử dụng tai nghe nhạc khi mổ gây tê với các ích lợi của nó.
Việc cho bệnh nhân được nghe nhạc, thậm chí hát vang trong những ca mổ quan trọng từng được Bệnh viện Việt Đức áp dụng năm 2019, trong phương pháp "mổ thức tỉnh".
Tháng 3/2019, bệnh nhân tên Cao Quang Cảnh bị u thân não phải mổ ở Bệnh viện này là một trong những người đầu tiên có thể "hát vang" khi đang được bác sĩ mổ. Ông hát bài "Quảng Bình quê ta ơi" - bài hát quen thuộc của quê ông.
"Tôi cảm nhận hoàn toàn bác sĩ đang mổ trên vùng đầu, trong bối cảnh như thế, tôi nghe rõ giọng hát của mình, tôi biết các chức năng não được bảo tồn, không bị ảnh hưởng vào dây thần kinh ngôn ngữ, vận động", ông Cảnh chia sẻ.
Tại Việt Nam, "Mang âm nhạc đến bệnh viện" là chương trình nổi tiếng đối với các bệnh nhân ở các bệnh viện lớn. Họ chia sẻ, âm nhạc giúp họ thoải mái hơn, yêu đời hơn và có thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật.
Một nghiên cứu tại trường Đại học Drexel ở Philadelphia cho thấy, các liệu pháp chữa trị bằng âm nhạc có tác dụng tốt hơn các biện pháp thông thường với các bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, các nghiên khác cũng chứng minh rằng, âm nhạc như một liều thuốc giảm đau với các bệnh nhân hồi sức cấp cứu và bệnh nhân lớn tuổi.
Còn một công trình nghiên cứu được tạp chí y khoa The Lancet của Anh đăng ngày 12/8/2015 cho biết: Nghe nhạc trước, trong và sau khi giải phẫu có tác động rất tốt lên bệnh nhân, giảm bớt nỗi lo âu và cơn đau, đồng thời giúp họ chóng bình phục.
Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu Anh tổng hợp 72 kết quả/7.000 người bệnh.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng các bệnh nhân nghe nhạc khi được giải phẫu bớt lo âu hơn, ít bị đau hơn sau khi mổ và dùng ít thuốc giảm đau hơn là những bệnh nhân không được nghe nhạc. Các bệnh nhân được nghe nhạc cũng tỏ vẻ hài lòng hơn về kết quả giải phẫu.
Các nhà khoa học cho biết những bệnh nhân tiến hành phẫu thuật được gợi ý có thể lựa chọn thể loại âm nhạc họ muốn nghe trong quá trình điều trị. Và khi bệnh nhân được lựa chọn âm nhạc của riêng mình, họ cũng cảm thấy sự đau đớn được giảm nhẹ chút ít.