Công ty nước sông Đà xả lén hàng nghìn m3 nước xúc rửa bể chứa ra suối

Thanh Hải 05/11/2019 08:52

PLBĐ - Công ty nước sạch sông Đà đã xả thẳng gần 3.000m3 nước xúc xả đường ống sau sự cố nhiễm dầu ra suối Đồng Bãi, huyện Thạch Thất, Hà Nội mà không xuất trình được bất cứ giấy phép nào.

Báo Tiền phong đưa tin, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) vừa có văn bản báo cáo nhanh UBND TP Hà Nội về việc xả nước súc rửa bể trung gian ra môi trường của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).

Theo báo cáo, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có 2 bể chứa nước trung gian tại thôn Dục (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) với dung tích 30.000 m2/bể.

Hai bể trên chứa nước sạch chảy tự nhiên từ Nhà máy nước sạch sông Đà cấp nước cho khách hàng và dẫn chảy tự nhiên đến Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) để cấp nước cho các đơn vị sử dụng (bể chứa không có hệ thống châm bổ sung Clo).

Ngày 9/10, khi phát hiện sự cố có váng dầu vào nước, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã ngừng cấp nước vào bể trung gian. Đến ngày 18/10, sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước, Công ty nước sạch sông Đà đã cho xả kiệt bể số 2 và súc rửa cả 2 bể trung gian. Việc súc rửa không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sau khi súc rửa, Công ty nước sạch sông Đà đã xả nước từ bể trung gian ra môi trường, cụ thể là suối Đồng Bãi, thuộc thôn Dục (Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội).

Căn cứ kết quả kiểm tra, biên bản giao ca, nhật ký vận hành, Sở TN&MT Hà Nội xác định khối lượng nước mà Công ty nước sạch sông Đà đã súc rửa xả ra môi trường khoảng 2.500-3.000 m3.

lanh-dao-tp-ha-noi-nhan-trach-nhiem-vu-nuoc-sach-dspl-3
Sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh: Dân trí)

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trước và trong quá trình xúc rửa bể chứa nước trung gian, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương. Cty nước sạch sông Đà cũng không xuất trình được quy trình súc rửa và xả thải nước quá trình súc rửa ra môi trường.

Công ty nước sạch sông Đà chưa xuất trình được hồ sơ thiết kế bể chứa trung gian, hồ sơ về công tác chấp hành các quy định của pháp luật Bảo vệ môi trường và giấy phép xả thải. Công ty này cũng không thực hiện phân tích chất lượng nước súc xả vệ sinh bể chứa trung gian trước khi xả ra môi trường (vì nước dẫn vào bể trung gian là nước sạch).

Xét báo cáo của Sở TN&MT, ngày 1/11, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà trước khi xả thải phải thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

TP Hà Nội cũng đề nghị công ty này nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi. Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND TP Hà Nội sẽ giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định. 

Về vấn đề này, Tri thức trực tuyến dẫn thông tin, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 10416/VP-ĐT yêu cầu công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu công ty trước khi xả thải phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

UBND thành phố cũng đề nghị đơn vị nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.

Ngày 8/10, nhóm Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Thuận Thành, Bắc Ninh) đưa chất thải về xóm Quyết Tiến (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) để đổ trộm. Dầu thải sau đó đổ xuống con suối Trâm - một trong 3 nguồn cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà.

Sáng 9/10, Công ty nước sạch sông Đà thuê khoảng 50 người dân vớt dầu. Họ vớt được khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ và rác dính dầu, 4 m3 khối cát trộn dầu.

Ngày 10/10, nhiều hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... (Hà Nội) phát hiện nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy.

Ngày 14/10, Viwasupco báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện sáng 9/10, nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.

Ngày 15/10, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.

Ngày 17/10, Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Ba nghi phạm Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và Lý Đình Vũ bị giữ trong 2 ngày 17 và 20/10.

Nhóm này khai chở dầu bằng xe tải từ Công ty Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) đến đổ ở khe núi huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình hôm 8/10.

Ngày 22/10, Hà Nội công bố nước sông Đà được xử lý an toàn, có thể dùng để ăn uống.

Sáng 4/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lần đầu lên tiếng nhận trách nhiệm của chính quyền thành phố trong vụ việc và hứa sẽ rút kinh nghiệm.

T.H (th)

Thanh Hải