Gần 3 tháng giành giật sự sống cho thiếu niên bị sốc sốt xuất huyết nặng
Gần 3 tháng hai bệnh viện Bà Rịa-Vũng Tàu và BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) liên tục hội chẩn để giành lại sự sống cho cậu bé 14 bị sốc sốt xuất huyết nặng.
Đầu tháng 8, cháu B.T.P ( 14 tuổi, ngụ Xuyên Mộc, Bà Rịa –Vũng Tàu) sốt cao được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt xuất huyết và điều trị bằng thuốc, song không thuyên giảm.
Qua ngày thứ 4 dấu hiệu sốt và bệnh nhi trở nặng, bác sĩ chẩn đoán em bị huyết Dengue. Bất ngờ sau đó, em P. chuyển sang sốc sốt xuất huyết được bác sĩ truyền dịch chống sốc và chuyển lên BV tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cấp cứu. Lúc này, tình trạng em P. diễn tiến xấu, bị suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, chảy máu tiêu hóa. Tình cảnh bệnh nhi “thập tử nhất sinh” trong khi không thể chuyển em lên BV Nhi đồng 1 để can thiệp, chuyển đi khả năng tử vong rất cao.
Bác sĩ Phan Văn Thành, Phó giám đốc BV Bà Rịa lúc này cầu viện đồng nghiệp BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Một cuộc hội chẩn từ xa qua Viber với bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức-tích cực BV Nhi đồng 1 đã giúp các bác sĩ ở Bà Rịa tiến hành hỗ trợ hồi sức, chống sốc tích cực và lọc máu cho bệnh nhi.
Tạm thời qua cơn nguy kịch, song các cơ quan nội tạng bệnh nhi bắt đầu chảy máu, rối loạn đông máu, bé rơi vào tình trạng suy gan thận, suy hô hấp. Lúc này, bác sĩ tiên lượng bệnh nhi “9 phần chết 1 phần sống”. Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 tư vấn lọc máu liên tục, thay huyết tương duy trì chức năng gan thận. Sau 10 ngày căng thẳng, bác sĩ BV Bà Rịa mới chuyển bé lên BV Nhi đồng 1.
“Lúc này bé ổn được một xíu nhưng khi gọi lên BV Nhi đồng 1 không có giường, hết máy lọc máu. Chúng tôi nghe vậy chuẩn bị phương án chuyển máy lọc máu lên để hỗ trợ, rất máy cuối cùng cũng đủ thiết bị cho bé tiếp tục điều trị tích cực”, bác sĩ Thành nhớ lại.
Khi nhập viện BV Nhi đồng 1, bệnh nhi vừa phải trải qua một đợt nhiễm vi khuẩn bệnh viện. Bác sĩ phải dùng một lượng kháng sinh liều cao phổ quát rộng mới vượt qua. Bé tiếp tục bị suy ruột, nôn ói, chảy máu toàn thân, rối loạn hoàn toàn tri giác. Ê-kíp hồi sức tiếp tục truyền huyết tương, tiểu cầu và huy động cả gia đình đến viện để dự phòng truyền máu nếu máu không đủ.
Sau gần 3 tháng miệt mài của hai ê-kíp hai bệnh viện truyền tay nhau, bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm nói khẳng định cứu sống bệnh nhi. Theo bác sĩ hiện bé qua cơn nguy kịch nhưng phải ở lại viện để hỗ trợ dinh dưỡng khoảng 2 tuần nữa để đáp ứng sức khỏe cho xuất viện.
PGS.TS. BS Phạm Văn Quang chia sẻ: “Nhờ sự phát triển công nghệ các đồng nghiệp chúng tôi kết nối, chuyền tay nhau được các chỉ số lâm sàng bệnh nhân có thể hỗ trợ lẫn nhau dù cách xa cả 100 km. Giúp được 1 ca thế này niềm tin đối với tuyến dưới được tăng cao, còn tuyến trên chúng tôi cũng giảm được áp lực lượng bệnh đổ về”.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết ở phía nam giờ gần như một bệnh lưu hành, dù tháng 11 cuối mùa mưa các tỉnh phía nam vẫn còn dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh nhân nếu sốt đến ngày thứ 3 không hết cần đến ngay cơ sở y tế để sớm điều trị đúng phát đồ khi xét nghiệm điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế.
(Theo Phan Nhơn/Vietnamnet)