Hà Nội: Thau rửa bể nước ngầm, nam thanh niên ngạt khí tử vong

Thanh Hải 23/10/2019 07:34

PLBĐ - Trong quá trình thau rửa bể nước ngầm của gia đình cùng bố khi nguồn nước nhiễm bẩn, nam thanh niên sinh năm 1988 đã bị tử vong nghi ngạt khí.

Theo thông tin trên báo Dân trí, vụ việc trên xảy ra vào khoảng 21h ngày 22/10, tại căn nhà số 172 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo đó, ông Nguyễn Viết Lập (SN 1954, tổ trưởng khu phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cùng con trai là anh Nguyễn Viết Anh (SN 1988) tiến hành thau rửa bể nước ngầm của gia đình tại tầng 1.

Trong quá trình thau rửa bể nước ngầm, anh Anh bất ngờ bị ngất sau đó tử vong.

vu-viec-1571764161573
Ngôi nhà số 172 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai - nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Trần Thanh).

Trao đổi với phóng viên, một hàng xóm của gia đình nạn nhân cho biết, thời gian vừa qua xảy ra sự cố nhiễm bẩn nguồn nước sạch Sông Đà, nhiều hộ dân sống tại đây đã tiến hành thau rửa bể nước ngầm của gia đình mình, trong đó có gia đình nhà ông Lập.

Theo người hàng xóm, lúc 2 bố con anh Anh thau rửa bể nước ngầm, anh Anh trèo xuống bể còn ông Lập đứng bên trên.

Sau một hồi không thấy anh Anh lên, ông Lập liền trèo xuống thì phát hiện anh Anh bị ngất xỉu. Ông Lập liền hô hấp nhân tạo cho con trai rồi tìm cách đưa nạn nhân lên trên nhưng bất thành, nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.

Được biết nạn nhân đã lập gia đình và có 2 người con.

Đại diện UBND phường Đại Kim cũng đã xác nhận sự việc trên với báo Giao thông và cho biết thêm:

"Hiện tại công an đang ở hiện trường, nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của nam thanh niên sinh năm 1988 này đang được cơ quan công an xác minh, làm rõ".

nguoi-dan-ong-chet-khi-thau-rua-be-nuoc-ngam-32-.3125
Bể nước đặt ngầm dưới nền phòng khách của gia đình ông Lập. (Ảnh: Tất Định)

Được biết, nhà ông Lập cao 4 tầng, thiết kế bể nước ngầm diện tích 15 m2, sâu 2,5 m. Phần miệng rộng chừng một mét vuông, đậy kín. 

Hai tuần trước, do nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải, gia đình ông Lập nằm trong số 250.000 hộ dân dùng nguồn nước này nên được khuyến cáo súc xả bể chứa. Vì thế, lần đầu tiên sau gần 5 năm sử dụng bể, tối 22/10 bố con Lập đã cùng nhau thau rửa.

Theo điều tra của nhà chức trách, ngày 8/10, 10 m3 dầu thải đã chảy xuống suối Trâm, một trong ba nguồn nước chính của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước sạch sông Đà bị nhiễm độc Styren, đề nghị người dân không sử dụng để ăn uống.

Liên quan đến vụ việc trên, Infonet cho biết, theo các bác sĩ, những nạn nhân này bị chết ngạt do thiếu ô xy. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM - cho biết nguy cơ ngạt khí luôn rình rập người dân, người lao động ở bất cứ nơi đâu. Các giếng sâu hoặc hầm chứa trên boong tàu, thuyền, sà lan... lâu ngày không sử dụng thường tích tụ nhiều loại khí độc.

Ở những nơi này khí độc thường nặng hơn oxy nên chìm phía dưới, còn nồng độ oxy rất thấp, chỉ 10-12%, trong khi nồng độ CO2 lại rất cao. Do vậy, ai đó chỉ cần thò đầu xuống là bị ngạt. Đặc biệt ở các hệ thống cống sâu, hầm xử lý nước thải chất độc càng nhiều.

Theo bác sĩ Xuân Mai, để tránh bị ngạt khí khi vào giếng sâu, hầm sâu, thùng sâu, hầm chứa, thùng chứa kín lâu ngày... phải mở toang nắp, đeo mặt nạ dưỡng khí mới được xuống. Với người dân không có mặt nạ cũng phải mở rộng nắp cho thoáng, có máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống hầm, hố, cống, giếng để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên, khi không khí trở lại bình thường mới được xuống làm việc.

Tốt nhất trước khi chui xuống hầm kín, cống, giếng, bồn chứa... nên thả xuống bó đuốc, nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ ở đó thiếu oxy, rất nguy hiểm vì có nhiều khí độc, không nên xuống. Cần chú ý khi có người xuống cống, giếng, hầm... làm việc phải có người ở trên quan sát người ở dưới.

Người xuống phải đeo dây bảo hiểm ở lưng, kết nối với dây an toàn của người ở trên. Nên có quy ước theo dõi sự an toàn, chẳng hạn nếu giật dây liên tục là phải nhanh chóng kéo người ở dưới lên ngay. Cần lưu ý việc chui xuống cứu người bị ngạt mà không có phương tiện bảo hộ có thể làm người ứng cứu chết theo.

T.H (th)

Thanh Hải