Động lực chữa bệnh đặc biệt của cô bé ung thư máu 6 tuổi
Cô bé 6 tuổi người dân tộc, Lục Thị Huệ có một động lực đặc biệt để vượt qua những đợt tiêm chọc tủy, truyền hóa chất đau đớn, mệt nhoài của quá trình điều trị ung thư.
"Con lại vừa xin được các cô 2 ống tiêm. Giờ con sẽ khám cho bố”.
Huệ cười tươi rói, tíu tít khoe với bố về “thành quả” của mình. Xin về mấy ống tiêm không có đầu kim từ y tá, cô bé 6 tuổi thành thục kéo lấy tay bố, giả vờ lấy ven, tiêm thuốc hệt như thật.
Cô bé nhỏ thó, chỉ nặng hơn chục cân bị ung thư máu này luôn có một ước mơ thật đặc biệt: ước mơ trở thành bác sĩ.
Bé Lục Thị Huệ (dân tộc Sán Dìu, Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) bị chẩn đoán mắc ung thư máu năm 5 tuổi. Ngày ấy, thấy con vàng da, ăn uống kém, nổi hạch khắp người, anh Lục Văn Thắng (sinh năm 1987) đưa con đi khám và nhận được tin sét đánh.
Anh Lục Văn Thắng và con gái Lục Thị Huệ - Ảnh: Nguyễn Liên.
“Biết là bệnh hiểm nghèo, khó có thể chữa được, hai vợ chồng chỉ biết khóc vì thương con”, anh Thắng tâm sự.
Bé Huệ nhập viện và điều trị dài hạn tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ cuối tháng 10 năm 2018. Cứ cách 20 ngày, gia đình anh Thắng lại tay nải đưa con lên Hà Nội truyền hóa chất. Tùy vào tình hình sức khỏe mà con phải ở lại viện dài ngày hay ít ngày. Có những đợt, anh Thắng phải ở cùng con tới hơn 1 tháng trên viện để điều trị.
Từ ngày lên viện, Huệ bộc lộ một sở thích đặc biệt, đó là xin các cô y tá những ống tiêm không dùng tới để chơi trò bác sĩ. “Bệnh nhân” của em là bố mẹ và những người bạn cùng điều trị.
“Con rất thuần thục, từ đo nhịp tim, lấy ven như thế nào, tiêm truyền ra sao. Không ai dạy con cả, cứ học theo các cô vậy thôi mà bắc chước y hệt.”, anh Thắng mỉm cười kể.
Huệ luôn giữ những món đồ chơi đặc biệt ấy bên mình. Kết thúc đợt điều trị, cô bé cẩn thận mang theo những ống tiêm về nhà và cất vào một chiếc hộp vì sợ mất. Cứ khi nào rảnh, cô bé 6 tuổi lại mang món đồ thu lượm được ra chơi trò bác sĩ.
“Con bé nói khi nào khỏi bệnh, con sẽ học giỏi để trở thành bác sĩ chữa cho các bạn và bố mẹ, ông bà. Mỗi lúc như vậy, tôi lại thấy lòng quặn thắt. Chỉ mong con có thể khỏe lại”, anh Thắng xúc động nói.
1 năm điều trị bệnh cho con, kinh tế gia đình anh Thắng gần như kiệt quệ. Phải lên viện thường xuyên chăm con, anh chị không có công việc ổn định. Số tiền dành dụm bấy lâu dần cũng hết, vợ chồng anh Thắng phải đi vay mướn thêm mới đủ tiền cho mỗi đợt điều trị.
Hôm nào không phải lên viện chăm con, anh Thắng lại tranh thủ đi xách vữa để có thêm thu nhập.
“Có những lúc, đang làm việc lại ứa nước mắt vì thương con. Nghĩ đến đợt lên viện tiếp theo không có tiền thì phải làm sao”, anh Thắng kể.
Cô bé có nụ cười rất trong sáng, hồn nhiên. - Ảnh: Diệu Thuần, Nguyễn Liên
6 tuổi, Huệ không hiểu về bệnh của mình. Cô bé chỉ biết nũng nịu hỏi bố mẹ: “Con bị bệnh gì mà sao cứ phải lên viện tiêm truyền nhiều”. Thế nhưng, Huệ dường như hiểu hết những nỗi khổ bố mẹ đang phải chịu đựng. Thỉnh thoảng, cô bé lại chạy tới ôm cổ bố, thủ thỉ: “Con thương bố”.
“Huệ bảo thương bố lắm vì bố chăm con vất vả, vì con đi viện tốn nhiều tiền của bố mẹ. Không biết cháu học câu này ở đâu nữa.”, Anh Thắng mỉm cười tâm sự.
Huệ rất thích cười và luôn vui tươi. Dù là khi tiêm tủy hay truyền hóa chất, cô bé đều rất ít khóc.
Huệ nghỉ học gần 1 năm nay do phải thường xuyên lên viện điều trị. Năm học mới này, em không thể nhập học lớp 1 như bạn bè đồng trang lứa khác. Cô bé lúc nào cũng chỉ mong được về đi học.
“Mai Huệ về đi học đây”, cô bé 6 tuổi thủng thẳng nói.
“Sao Huệ thích đi học vậy?”, tôi hỏi.
“Phải lên lớp 1 mới được làm bác sĩ. Huệ sẽ khỏi bệnh để làm bác sĩ”, cô bé cười rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời.
(Theo Nguyễn Liên/Vietnamnet)