Trước đợt thanh tra toàn diện, sim rác bán tràn lan công khai với mức giá siêu rẻ
Bất chấp các quy định về luật pháp, thị trường sim rác hoạt động công khai, rao bán với mức giá rẻ như mớ rau ngoài chợ.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), có 1.855.849 thuê bao di động trả trước kích hoạt sẵn, hay còn gọi là sim rác, đã bị xử lý trong 6 tháng đầu năm. Bắt đầu từ tháng 10, Bộ thông tin truyền thông và các sở, ban ngành sẽ tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trên toàn quốc.
Theo đó, các Sở thông tin và truyền thông tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán sim điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Khảo sát thị trường Hà Nội, bất chấp các quy định của pháp luật, sim rác - vấn nạn nhức nhối vẫn còn tồn tại. Cửa hàng bán sim không chính chủ tràn lan, công khai với mức giá siêu rẻ, từ 8.000 - 20.000 đồng/chiếc, tùy theo thời hạn.
"Ở đây có đủ sim của các nhà mạng. Nếu sim giá 12.000 đồng thì có thời hạn không kích hoạt 2 tháng. Đắt hơn từ 13.000 - 20.000 đồng là những sim để được 5 tháng, thậm chí, có những sim chúng tôi cam kết không chặn hay khóa một chiều vĩnh viễn", một tiểu thương bán sim tại Cầu Diễn, Hà Nội quảng cáo.
Trên mạng xã hội, không khó để tìm được hàng loạt trang rao bán sim không chính chủ, với những lời quảng cáo sản phẩm đều đã được kiểm tra hạn sử dụng để khách hàng yên tâm mua.
Sim rác bán tràn lan công khai tại các cửa hàng kinh doanh sim điện thoại.
Theo người bán, đây đều là sim mới, muốn thời hạn sử dụng kéo dài, chủ sim chỉ cần nạp tiền, gọi và nhắn tin. Thậm chí, nhu cầu của khách với số lượng bao nhiêu cũng có thể cung cấp mà không cần bất cứ thủ tục nào, bởi sim đã được cửa hàng đăng ký.
Vì là sim rác nên các dãy số thường sắp xếp ngẫu nhiên, không dễ nhớ và hoàn toàn không liên quan đến các yếu tố phong thủy, may mắn hay tài lộc mà nhiều người vẫn hay quan niệm. Khi kích hoạt, ban đầu, tài khoản sim chỉ là 0 đồng.
"Chúng có thể tạo tài khoản Facebook, zalo bán hàng hoặc tạo tài khoản chơi game, đăng ký 3G.
Đối tượng như sinh viên cũng hay mua sim này vì giá rẻ, nhiều khuyến mại, cước phí cuộc gọi sim cùng mạng tiết kiệm hơn.
Nếu không sử dụng nữa thì chỉ cần vứt bỏ", Thịnh (chủ hàng sim trên phố Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Theo người này, không chỉ bán sim, nhiều nơi cho thuê sim rác với giá 1.000 đồng/sim (tùy số lượng và dịch vụ sử dụng), bán kèm khay cắm sim.
Dịch vụ nạp tiền duy trì thời hạn sử dụng sim với giá siêu rẻ, từ 1.000 - 3.000 đồng/sim cũng nở rộ nhằm giúp tiểu thương duy trì nguồn sim dồi dào, liên tục, không bị khóa.
Mặc dù được quảng cáo với những lời có "cánh", song không ít vị khách phàn nàn về việc khi sử dụng sim rác khiến họ chịu nhiều phiền hà như liên tục nhận tin nhắn quảng cáo, mời mọc mua hàng.
"Thậm chí, nếu mất điện thoại thì cũng không thể lấy lại số thuê bao như sim chính chủ", Hồng Anh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Quy định tại khoản 1, điều 2, Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 174 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định 49/2017NĐ-CP các cửa hàng, các điểm bán sim sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.
(Theo Báo dân sinh)