Uống trà chứa băng keo y tế dính máu có thể lây nhiễm HIV?

Thanh Hải 01/10/2019 15:21

PLBĐ - Sau khi uống trà vải tại cửa hàng Phúc Long, một khách hàng tá hỏa khi phát hiện miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng ở đáy ly, lo ngại bị phơi nhiễm HIV.

Phúc Long lên tiếng việc phát hiện băng cá nhân trong ly trà 

Mới đây, tài khoản C.T.T.N chia sẻ trên Facebook cá nhân câu chuyện của nhóm mình khi đi uống trà vải tại của hàng Phúc Long trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP HCM.

Theo đó, khi uống gần hết cốc, một người bạn trong nhóm của N. phát hiện trong cốc nước có 1 miếng băng keo cá nhân.

Tài khoản này chia sẻ, sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nhiệt Đới, bác sĩ phân tích tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, có khả năng dính máu rất cao nên khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP. Chủ nhân ly nước đang dùng thuốc phòng chống phơi nhiễm.

Chủ tài khoản cho biết thêm, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm sau cuối nhưng việc đưa vào cơ thể nhiều loại thuốc phòng chống khiến người bạn của chủ bài viết mắc nhiều tác dụng phụ, dẫn đến suy nhược cơ thể, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thường ngày.

70990830_2599850203368573_4212142283375509504_n
Sổ khám bệnh được tài khoản C.T.T.N cho biết là có đầy đủ chứng từ và được chấm dấu từ bệnh viện. (Ảnh: Facebook)

Sau vụ việc, VTC News cho biết, hãng Phúc Long đã có thư phúc đáp gửi đến khách hàng về sự việc này. Phúc Long cho biết đã kiểm tra camera tại quầy pha chế thì không phát hiện điều gì bất thường.

Tại vị trí khách hàng ngồi và phát hiện băng keo cá nhân trong ly trà vải thì camera của cửa hàng không quay hình được. Phúc Long cũng cho biết, đã mang băng keo cá nhân đi xét nghiệm tại 3 cơ sở y tế tại TP.HCM nhưng đều bị trả về với một lý do: "Không nhận xét nghiệm với những vật dụng đã mở".

Chưa biết sự việc đúng sai như thế nào, Phúc Long vẫn hỗ trợ chi phí ban đầu với số tiền 5 triệu đồng để khách hàng khám chữa bệnh.

71902226_2599850356701891_237134576160342016_n
Thư phúc đáp từ Phúc Long gửi cho khách hàng gặp sự cố.

Liên quan đến vụ việc trên, đại diện truyền thông của Phúc Long cho biết khi tiếp nhận sự việc đơn vị đã gặp trực tiếp khách hàng để làm rõ. Sau đó, đơn vị này chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.

"Chúng tôi có đủ bằng chứng và lẫn camera ghi hình vì vậy trường hợp này để công an giải quyết, nếu khách hàng có kiện ra toà thì chúng tôi sẽ đi hầu. Lúc đó Phúc Long sẽ đưa ra hết những bằng chứng có được trước toà. Chúng tôi sẽ không giải thích thêm về vấn đề này nữa", đại diện Phúc Long nói. 

Khi nào thì dùng thuốc điều trị phơi nhiễm HIV?

Được biết, thông tin trên đã gây hoang mang dư luận, khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu có lây nhiễm HIV thông qua đường ăn uống?

Về mối lo ngại trên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (Hà Nội) chia sẻ với VOV, HIV không bao giờ lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Tức là nếu uống nước có miếng băng keo dính máu nhiễm HIV cũng không thể bị HIV như nhân vật trên lo ngại.

Thậm chí, bác sĩ Hưng khẳng định, ngay cả việc người uống đang bị nhiệt miệng, lở loét hay tổn thương vùng miệng thì tình trạng lây nhiễm cũng không thể xảy ra.

“Chuyện này có thể lý giải bằng việc nếu uống trà, nước sẽ trôi thẳng vào dạ dày. Phần còn lại là virus HIV chỉ có thể lây nhiễm qua con đường vết thương hở, với nồng độ thích hợp”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Hưng, việc lây nhiễm HIV chỉ qua 3 con đường là: đường máu (dùng chung kim tiêm), quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Ngoài ra, do tính đặc thù nên thời gian tồn tại bên ngoài môi trường của virus HIV là rất ngắn. Vì vậy, miếng băng keo trong cốc nước trên khó có thể lây nhiễm HIV cho con người.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo do thuốc điều trị phơi nhiễm có tác dụng phụ, nên người dân chỉ nên sử dụng theo chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ và khi chắc chắn nguồn phơi nhiễm.

“Trong trường hợp uống trà có băng keo y tế trên, việc điều trị phơi nhiễm tôi cho là không cần thiết”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh 

Cũng theo TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), phơi nhiễm là sự tiếp xúc với máu và dịch có HIV. Cần phải xác định xem có HIV không và mức độ tiếp cận và tiếp xúc giữa máu và dịch có nhiễm HIV với người bị phơi nhiễm ở mức độ nào, để đánh giá mức độ và nguy cơ.

Do thuốc điều trị phơi nhiễm có tác dụng phụ, vì vậy chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ và khi đã chắc chắn nguồn phơi nhiễm.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, trong trường hợp đúng là bị phơi nhiễm, thì hiện đã có thuốc điều trị hiệu quả như kháng virus bằng thuốc ARV. Trong thời gian “72 giờ”, điều trị ARV có thể dự phòng nhiễm HIV, giúp người bị phơi nhiễm tránh bị nhiễm hiệu quả nhất.

T.H (th)

Thanh Hải