Bí ẩn lễ đón năm mới bằng tiếng sấm của dân tộc ít người nhất Việt Nam
Người Ơ Đu có nhiều phong tục tập quán rất đặc biệt. Họ là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tết Chăm Phtrong là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Ơ Đu.

Do những biến cố lịch sử, hầu hết phong tục của người Ơ Đu – một trong những tộc người ít dân nhất Việt Nam – dần bị mai một. Trong đó, Tết Chăm Phtrong, hay còn gọi là Tết mừng tiếng sấm, cũng không ngoại lệ. Những năm gần đây, khi đời sống người dân dần được cải thiện, chính quyền địa phương và cộng đồng Ơ Đu đã nỗ lực khôi phục nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất của đồng bào này.
Hiện nay, người Ơ Đu chỉ còn sinh sống duy nhất tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An), chủ yếu tập trung ở bản Văng Môn với 102 hộ, 350 nhân khẩu.
Trong tâm thức của người Ơ Đu, thời khắc vang lên tiếng sấm cũng là dấu hiệu của năm mới. Lễ hội này mang ý nghĩa cầu chúc cho bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sức khỏe dồi dào cho dân làng. Với nhiều nghi thức độc đáo, lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Ơ Đu.
Một trong những tập tục độc đáo nhất đó là lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên. Hay còn gọi là Tết Chăm Phtrong. Đối với người Ơ Đu khi xưa, đây là ngày lễ lớn nhất trong năm, cũng như Tết Nguyên đán của người Kinh.

Lễ đón tiếng sấm, theo tiếng Ơ Đu có nghĩa là "Chăm phtrong" gắn với tục thờ " thần sấm". Đối với dân tộc Ơ Đu sấm là một vị thần tối cao biểu tượng cho sự linh thiêng, chính vì vậy trong cuộc sống những âm thanh như tiếng sấm luôn được kiêng kị, đặc biệt là tiếng chiêng, tiếng trống.
Hằng năm, khi tiếng sấm đầu tiên vang lên, người Ơ Đu tổ chức lễ hội Chăm Phtrong để đón năm mới, thường diễn ra vào khoảng tháng 3 dương lịch, trong 3-5 ngày. Lễ hội được tổ chức ngoài trời nhằm giao tiếp với thần linh tốt hơn. Tiếng sấm còn đánh dấu thời điểm thực hiện các việc trọng đại trong gia đình và cộng đồng. Trong lễ, người Ơ Đu phong chức cho các già làng, thầy mo, đổi tên cho đàn ông trưởng thành, làm lễ tiễn linh hồn người chết, bỏ tang cho người góa bụa và đặt tên cho trẻ sinh trong năm.












Theo quan niệm của đồng bào Ơ Đu, tổ tiên của họ sau khi mất sẽ trú ngụ ở một ngôi đền nhỏ ở ngọn núi thiêng phía Đông của bản, mỗi khi bản làng có lễ thì phải lên mời tổ tiên về dự lễ. Các lễ vật cúng tổ tiên cũng khá đơn giản, chủ yếu là do gia đình góp lại, thành một mâm lễ đặt tại đền cho thầy mo làm lễ.
Ông Lương Tuấn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nga My cho hay, Lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên của đồng bào dân tộc Ơ Đu là một lễ hội cổ xưa độc đáo, cần được phát huy và bảo tồn.