Mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000-300.000 trường hợp phá thai
Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình gần đây nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng thì có 62 trường hợp là mang thai ngoài ý muốn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
Tỷ lệ phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, hàng năm, Việt Nam có tới 250.000-300.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ trong độ tuổi 15-49 thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.
Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, vị thành niên/thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Hầu hết họ đều thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai ở những đối tượng này còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến.
Theo ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục – Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện nay, số lượng mang thai ngoài ý muốn ở đối tượng vị thành niên/thanh niên rất đáng quan ngại. Nguyên nhân do nhận thức của họ còn kém. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn còn phổ biến trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
“Chúng tôi đi tìm hiểu, có bạn 2-3 tháng uống 2-3 lần thuốc tránh thai khẩn cấp, uống thuốc khẩn cấp 1 tháng/1 lần, điều này cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Có bạn còn đi mua thuốc phá thai để uống. Những hiểu biết nông cạn đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, mà một trong những hậu quả nhãn tiền đó là gây ra vô sinh thứ phát cao”- ông Dương cho biết.
Ông Dương cho rằng, nhóm đối tượng này cần phải được đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để các bạn nam nữ thanh niên có nhận thức cao hơn. Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến các vùng sâu, vùng xa, tạo quyền bình đẳng hơn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
“Ngoài việc cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển các kênh tiếp thị xã hội, các kênh thị trường, đảm bảo chất lượng của các biện pháp tránh thai đưa đến cho người dân. Cung cấp hiểu biết cho các bạn trẻ về vấn đề phòng tránh thai”.- ông Dương nói.
Ra mắt ứng dụng về sức khỏe sinh sản
Thực hiện theo xu thế phát triển công nghệ hiện đại, ngày 26/9 tới, Tổng cục Dân số sẽ giới thiệu và ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh với tên “Sống chủ động”. Với ứng dụng này, người sử dụng là thanh niên, vị thành niên có thể tiếp cận sử dụng một cách dễ dàng. Ứng dụng này sẽ tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, đồng thời cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
“Ứng dụng này vừa được xây dựng xong, với mục đích cơ bản bước đầu là cung cấp thông tin và tạo diễn đàn để mọi người sử dụng có thể trao đổi, tiếp cận thông tin trên đó. Tất cả những thông tin chúng tôi cung cấp đều là từ những chuyên gia chuyên ngành về lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Vì vậy, các bạn có thể tin tưởng và sử dụng. Các bạn có thể tải ứng dụng trên các nền tàng Android và Ios kể từ ngày 26/9/2019”- ông Dương cho biết.
Sáng 23/9, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9). Cách đây đúng 12 năm, vào ngày 26/9/2007, Ngày Tránh thai Thế giới đã được tổ chức lần đầu tiên tại Châu Âu và tính đến nay phong trào hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của 16 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học, y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe sinh sản trên toàn thế giới.
Ngày tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các BPTT để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
(Theo VOV)