Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt vào đầu năm học mới

Thanh Hải 13/09/2019 11:12

Vừa bước vào đầu năm học mới, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã tăng vọt so với tháng trước. Ngành y tế cảnh báo, phụ huynh và nhà trường cần chú ý bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho trẻ, hạn chế nguy cơ mắc tay chân miệng.

Ngày 12/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trong tháng 8 khi trẻ nhập học trở lại, số bệnh nhi mắc tay chân miệng đã tăng nhanh. Với tổng số 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo (gồm 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú) số trẻ mắc bệnh đã tăng 115% so với tháng trước (1.438 ca). Tổng số bệnh nhi mắc tay chân miệng tích lũy đến tháng 8/2019 trên toàn địa bàn từ đầu năm là 9.718 ca, không có ca tử vong.

Đầu năm học mới, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt - 1

Bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh trong những tuần đầu của năm học.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tháng 8 và tháng 9 là thời điểm  bệnh tay chân miệng tăng cao vì đây là thời điểm trẻ em phải trở lại trường học sau khi nghỉ hè.

Để hạn chế nguy cơ tay chân miệng lây lan mạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các trường học tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ nhiễm bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh cần đặc biệt được quan tâm. Nhà trường phải có trách nhiệm ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày, phụ huynh phải có trách nhiệm thông báo rõ lý do cho nhà trường về nguyên nhân con em mình nghỉ học.

Đầu năm học mới, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt - 2

Trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng trong đợt cao điểm từ nay đến cuối năm, Sở Y tế thành phố đã gửi văn bản chỉ đạo cho các quận huyện tăng cường giải pháp kiểm soát. Bên cạnh đó, Sở Y tế cùng Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký Kế hoạch Liên tịch trong triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; sốt xuất huyết; sởi trong khu vực trường học, nhóm trẻ. Các biện pháp phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ đang được cả Sở Y tế và Sở Giáo dục xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Tay Chân Miệng là bệnh do vi-rút, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rãi rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011 tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Trẻ mắc bệnh thường có dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc đang thức hay lúc bắt đầu ngủ. Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật, sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông. Một số trường trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Bệnh nhi dễ đối mặt với các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong.

Đầu năm học mới, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt - 3

Biến chứng của bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhi.

Việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Khoảng 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

(Theo Vân Sơn/Dân trí)

Thanh Hải