Cụ ông 82 tuổi bị mắc liên cầu lợn vì ăn tiết canh

Thanh Hải 05/09/2019 11:07

Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh vừa tiếp nhận và cấp cứu 3 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn trong đó có một người khi sơ chế thịt bị trượt dao gây đứt tay, một người ăn tiết canh và một người làm nghề giết mổ lợn.

Bệnh nhân nữ sinh năm 1977, trú tại Thị xã Quảng Yên vào viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, sốt cao, đau đầu nhiều, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ…

Bệnh nhân nam N.Đ.P sinh năm 1937, trú tại Phường Quang Trung, TP. Uông Bí, Quảng Ninh được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, mệt mỏi. Chỉ sau 2 ngày nhập viện bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, yếu 1/2 người phải. Trước đó 1 tuần, người bệnh có ăn tiết canh lợn cùng với bạn bè.

Nữ bệnh nhân N.T.T. (sinh năm 1960, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), bà lại có các dấu hiệu sốt cao liên tục, đau đầu, chóng mặt nhiều, đau chân phải hạn chế vận động.

BS Trịnh Thu Hoàn, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cho biết, cả 3 bệnh nhân này đều có tiền sử tiếp xúc với thực phẩm chưa nấu chín. Trong đó, một bệnh nhân làm nghề mổ lợn nhưng không mang trang phục bảo vệ. Một bệnh nhân trong lúc sơ chế thịt lợn tại nhà, không may trượt tay khiến con dao dùng để chặt thịt sượt qua tay, đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở.

Cả 3 trường hợp đều được bác sĩ chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao, chống phù não, giảm đau, bù nước điện giải. Tuy nhiên, trong số 3 ca bệnh chỉ một trường hợp khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, Hai trường hợp còn lại, người có di chứng liệt nửa người, người có di chứng giảm thính lực sau điều trị liên cầu lợn.

hinh_anh_benh_lien_cau_lon_1
Hình ảnh bệnh nhân bị liên cầu lợn.

Với những bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn đều có bệnh cảnh viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.  

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Khi làm các xét nghiệm bác sĩ tìm thấy vi khuẩn S.suis gây bệnh (thường là S.suis tuýp II) khi nuôi cấy bệnh phẩm (máu người bệnh hoặc các mô, tổ chức bị tổn thương) hoặc tiến hành làm xét nghiệm huyết thanh học hoặc làm phương pháp sinh học phân tử (PCR).

Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).

Bên cạnh đó phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.

(Theo Infonet)

Thanh Hải