Cũng giống các dân tộc khác, đồng bào Lô Lô thường tổ chức múa sạp trong lễ hội, buổi gioa lưu. Người nhảy sạp thể hiện những vũ điệu khỏe khoắn chính sác, người đập sạp đều tay, đúng tiết ấu. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút, hào hứng, say sưa. Các cô gái người dân tộc Giáy ở Hà Giang với nụ cười sảng khoái ở chợ phiên. Người Giáy còn được gọi là Nhắng, hay Giẳng. Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước trên những ruộng bậc thang, bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi theo lối thả rông. Trai gái mỗi khi xuống chợ thường mặc bộ quần áo đẹp nhất, nữ giới trang phục nhiều màu sắc, nam giới trang phục đơn sắc sẫm màu. Các gam màu mảng miếng tạo thành bức tranh chợ phiên vùng cao vui tươi sinh động. Khách tham quan hòa mình vào không gian đầy màu sắc văn hóa các vùng miền, giao lưu và mua sắm những món đồ được làm từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc thiểu số. Những cô gái Thái tay thoăn thoắt cho gạo vào nồi nấu món xôi đặc sản của họ - xôi cẩm. Xôi được đồ bằng gạo nếp lẫn với lá khảu cắm, có màu tím nhạt, khi ăn có vị ngọt quyện hương vị của gạo thơm nức. Sạp bán thịt ngựa của đồng bào Mông, tỉnh Hà Giang. Ở các phiên chợ của người Mông, món thắng cố được nấu từ thịt ngựa là một món ăn hấp dẫn và mang tính truyền thống đặc trưng. Đi chơi chợ ăn thắng cố và uống rượu ngô là một thói quen lâu đời của người Mông. Trai gái giao lưu làm quen ở chợ phiên, cùng nhau uống chén rượu ngô thơm nồng mùi men lá. Múa khèn được xem như sự thể hiện tiếng lòng của người Mông với bạn bè, với thiên nhiên, với núi rừng. Tại các phiên chợ, các chàng trai thổi khèn vừa để giải trí vừa dùng tiếng khèn của mình để quyến rũ các cô gái. Hát then của người Tày. Hát then không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa mà còn có chỗ đứng trong đời sống tâm linh. Câu hát là phương tiện để các thầy then gửi tới đấng linh thiêng những thông điệp của họ. Nấu rượu ngô ngay tại phiên chợ, đây là hoạt động nhằm giới thiệu món đặc sản rượu ngô men lá nổi tiếng của người Mông ở Hà Giang. Những sản vật của đồng bào các dân tộc thiểu số được giới thiệu và bán tại chợ phiên. Trò chơi tung ngô vào quẩy tấu. Ngô là một thực phẩm chính gắn bó lâu đời của người Mông, thường được chế biến thành 3 món: mèn mén, bánh ngô, nấu rượu. Quẩy tấu là vật bất ly thân của đồng bào Mông. Một thanh niên Mông đang làm khèn bằng những công cụ thô sơ truyền thống do họ tự chế tác. Chiếc khèn được tào ra hoàn toàn thủ công, có thể mất 3 ngày mới làm xong một chiếc khèn. Nếu bán, giá mỗi chiếc khèn khoảng 1,5 - 3 triệu đồng. Những thợ rèn làng nghề thủ công Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) đang rèn dao. Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Đã có một thời gian, các làng nghề rèn ở Phúc Sen chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, mầu trắng sáng, giá rẻ hơn. Thị trường tiêu thụ không ổn định cũng đang là nỗi trăn trở lớn của người làm nghề. Thế nhưng, với người Nùng An ở Phúc Sen, họ chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề mà cha ông đã truyền lại. (Theo Hữu Nghị/Dân trí)
Thanh Hải