Ghép da cho bé trai 2 tuổi bị bỏng nước sôi toàn thân

Thanh Hải 23/08/2019 07:37

Theo các bác sĩ, đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém.

Vừa qua Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh có tiếp nhận một trường hợp trẻ bỏng nặng do nước sôi. Nạn nhân là bé Chương Minh N.(02 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị bỏng nước sôi ngày thứ nhất. Sau khi bỏng bỏng bệnh nhi đã được sơ cứu tại Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả, sau sơ cứu chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.

bon1566493782_5556
Bé trai bị bỏng nước sôi được các bác sĩ tiến hành ghép da.

Kết quả khám lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị Bỏng nước sôi độ II, III diện tích 20% vùng mặt, tay phải, cẳng chân phải và được chỉ định thay băng bỏng, tắm bỏng, bù nước điện giải dự phòng kháng sinh, phẫu thuật ghép da dầy toàn bộ vùng cánh cẳng tay, ngực phải.

Sau điều trị tích cực tại Bệnh viện, hiện tại sức khỏe của bé đã tạm ổn định, bé được ghép da, vá da dày toàn bộ, băng ép cố định diện ghép da, nẹp cố định cánh - cẳng tay trái bằng nẹp bột, vệ sinh làm sạch vết thương hằng ngày…

bon1566493799_7585
Bệnh nhi sau khi được ghép da.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt cho biết: Đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu người lớn biết cách xử trí đúng khi bị bỏng, có thể tự làm cho vết thương trẻ bớt nguy hiểm và đau đớn. Thậm chí với vết thương nhẹ, không nghiêm trọng, nếu được xử lý chính xác và kịp thời, tổn thương có thể sẽ lành luôn.

Qua trường hợp trên bác sĩ Việt khuyến cáo, trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Do đó cha mẹ cần hết sức chú ý, đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ.

(Theo Đời sống Plus/GDVN)

Thanh Hải