Chuyên gia cấp cứu nói gì về nguyên nhân học sinh lớp 1 tử vong bị bỏ quên trên xe?

Thanh Hải 08/08/2019 16:21

Khi người bị sốc nhiệt, có thể gây tổn thương thần kinh, rối loạn thần kinh trung ương, co giật khiến nạn nhân loạng choạng, ngã quỵ, va đập, từ đó gây ra các tổn thương tụ máu ngoài da.

Nhiều nguyên nhân phối hợp

Nhận định về nguyên nhân có thể khiến học sinh lớp 1 ở trường Gateway do bị bỏ quên trên xe đưa đón, nhiều chuyên gia về hồi sức, cấp cứu cho rằng nhiều nguyên nhân phối hợp có thể khiến bé tử vong.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, cho biết bé bị bỏ quên trong môi trường đóng kín, thiếu oxy và tăng CO2, làm ảnh hưởng tới tuần hoàn cơ thể. Cũng có thể, bé bị hạ đường huyết, đói lả.

Thông cáo báo chí do quận Cầu Giấy phát hành hôm 7/8 trong cuộc họp báo về vụ việc cho thấy: Qua trao đổi với bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội, nạn nhân nhập viện trong tình trạng thân thể tím tái, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng không còn, mạch không, huyết áp không. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu mạch tuần hoàn, sau 30 phút không có kết quả đã thông báo trẻ tử vong

Các chuyên gia phân tích, khi ô tô đóng kín cửa, tắt điều hòa, để ngoài trời nắng, hiện tượng hiệu ứng nhà kính sẽ xảy ra khi sự tích luỹ nhiệt trong ô tô rất lớn và nhanh, một phần do vật liệu của xe bằng sắt, ghế bọc da, không gian hẹp. Chỉ trong vòng mấy chục phút, nhiệt độ trong xe sẽ tăng thêm 20 độ C. Điều này sẽ có thể khiến bé trai sốc nhiệt và tử vong.

Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lên 39-40 độ C trở lên (bình thường 37 độ C). Khi nhiệt độ tăng, cơ thể đào thải nhiệt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở, hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân.

Ngược lại, khi bị hạ thân nhiệt (dưới 35 độ C), cơ thể sẽ co mạch ngoại vị để giữ lại nhiệt cho cơ thể.

ThS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện 108 cho hay, sốc nhiệt kinh điển (một trong 2 dạng của sốc nhiệt) hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết, có tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Sốc nhiệt gây những tổn thương nào?

"Khi nhiệt độ tăng cao quá mức tế bào có thể chịu đựng dẫn tới thoái hoá protein. Cơ thể có thể bị tổn thương trong thời gian từ 45 phút tới 8 giờ sau khi thân nhiệt là 42 độ C" - BS Hải nói.

Chuyên gia cấp cứu nói gì về nguyên nhân bé lớp 1 tử vong khi bị bỏ quên trên xe? - Ảnh 3.

Một bệnh nhân cấp cứu nghi do sốc nhiệt ở bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh hoạ

Khi sốc nhiệt, cơ chế điều hòa nhiệt không còn tác dụng, cơ thể sẽ mệt, mất nước, cô đặc máu, sốc, rối loạn đông máu dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong tế bào ở tất cả cơ quan, đặc biệt là tổn thương ở não, tim, cơ, thận.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, khi sốc nhiệt, có thể gây tổn thương thần kinh, rối loạn thần kinh trung ương, co giật khiến nạn nhân loạng choạng, ngã quỵ, va đập, từ đó gây ra các tổn thương tụ máu ngoài da.

Sốc nhiệt cũng có thể trực tiếp gây tổn thương của cơ tim, dịch trong lòng phế quản. Tuy nhiên, dịch này cũng có thể hình thành do khi bệnh nhân dù đã tử vong nhưng nếu có tác động ép tim, sẽ tạo áp lực ép dịch thoát vài lòng phế quản. Sau khi tử vong ít nhất 3 giờ, nạn nhân sẽ co cứng cơ thể.

BS Cấp dẫn một mô tả tổn thương khi khám nghiệm tử thi một đứa trẻ bị đột quỵ nhiệt (sốc nhiệt/say nắng) ở Nhật Bản, do bác sĩ Ohshima đăng trên trang Europe PMC (một kho lưu trữ truy cập mở chứa hàng triệu công trình nghiên cứu y sinh) vào tháng 9/1992 cho thấy:

"Vào một ngày mùa đông, một bé gái 52 ngày tuổi được đặt dưới một máy sưởi chân điện, với khăn phủ trên một cái thảm điện (kotatsu) trong phòng có sưởi ở nhà. Sau khoảng 5 giờ, người mẹ nhận thấy em bé đã bất tỉnh và đưa bé đến bệnh viện.

Các biện pháp hô hấp được tiến hành nhưng không cứu được bé. Đồng tử đã giãn, nhiệt độ cơ thể là 41,3 độ C. Da toàn thân bị khô. Khám nghiệm tử thi cho thấy vết thương bỏng độ hai ở bên trái của khuôn mặt và mặt sau bàn tay trái. Ngoài ra, đã có xung huyết ở các cơ quan khác nhau, phù ở não và phổi và xuất huyết trong phổi. Có nhiều chấm, nốt xuất huyết ở tuyến ức; lá trong và lá ngoài màng phổi, màng tim; đọng thanh dịch ở gốc động mạch chủ...

Khi các điều kiện sưởi ấm trong vụ tai nạn được sao chép lại bằng thực nghiệm, nhiệt độ trong máy sưởi kotatsu điện đã tăng lên 50-60 độ C. Các bác sĩ kết luận rằng việc lạm dụng kotatsu điện gây ra đột quỵ nhiệt ở trẻ sơ sinh này..."

GS Nguyễn Gia Bình khuyến cáo về sai lầm khi một số gia đình bật điều hoà trong phòng ngủ kín, không có thông gió, hay đi ô tô chặng đường dài có điều hoà. Theo ông, ngồi trong ôtô có điều hòa làm mát không khí nhưng oxy trong xe sẽ giảm dần do đóng kín cửa, không tốt cho sức khỏe. Trong phòng kín có điều hoà, thể tích CO2 trong phòng sẽ tăng lên, oxy giảm đi dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ, gây mệt mỏi vào sáng sớm. Do đó, theo vị chuyên gia này, đi ô tô có điều hoà, sau 1 giờ phải mở cửa kính để thay đổi không khí, cửa phòng ngủ không nên kín quá.

Thanh Hải