Điều trị thành công cho nam thanh niên 25 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp
Bệnh nhân 25 tuổi suốt 3 ngày bị đau nhức toàn thân, đau ngực trái liên tục, nặng dần. Vào viện, anh này được chẩn đoán mắc chứng bệnh tưởng chỉ có ở người lớn tuổi.
Ngày 26/7, BS. Ngô Võ Ngọc Hương - Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho biết đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho nam thanh niên rất trẻ bị nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân mới 25 tuổi, hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính, tiền căn gia đình không ghi nhận điểm nổi bật liên quan bệnh. Sau 5 năm đi lao động ở châu Âu, nam thanh niên này trở về nước. Anh này cho biết, trong quãng thời gian này, do thời tiết lạnh, anh thường xuyên hút thuốc lá, xấp xỉ 1 gói (20 điếu)/ngày.
Sau 3 ngày đau nhức toàn thân, khó thở, phải nằm đầu cao, sốt nhẹ, ho đàm đục lượng ít, kèm theo đau vùng ngực trái liên tục, tăng nặng dần, anh mới đến viện trong tình trạng tỉnh nhưng rất mệt mỏi.
Hình ảnh chụp mạch vành sau khi BN được đặt 1 stent trên LCX1 và tái lưu thông tốt (chú thích bằng mũi tên xanh).
Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân men tim tăng quá cao. "Do xảy ra trên nền bệnh nhân trẻ tuổi, chẩn đoán đầu tiên nghĩ đến là viêm cơ tim cấp thay vì nhồi máu cơ tim cấp" - BS Hương nói. Kèm đó, do các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành trên bệnh nhân này rất nghèo nàn ngoại trừ hút thuốc lá; đồng thời, anh này còn có biểu hiện giống hội chứng nhiễm siêu vi cấp.
Tuy nhiên, khi điện tim, các bác sĩ phát hiện không có hình ảnh gợi ý của viêm cơ tim trong khi men tim đang tăng, kèm theo có hở van hai lá. Vì vậy, chẩn đoán được hướng đến nhiều nhất lúc này là nhồi máu cơ tim cấp, chẩn đoán phân biệt là viêm cơ tim. Chỉ định chụp mạch vành nhanh chóng được hội chẩn và tiến hành ngay sau đó.
Kết quả chụp mạch vành là nhánh mũ tắc hoàn toàn từ LCX1, các nhánh khác cũng có tổn thương nhưng không đáng kể. Bệnh nhân được can thiệp thành công một stent mạch vành có phủ thuốc trên LCX1 cùng liệu trình điều trị chuẩn của nhồi máu cơ tim.
Hình ảnh chụp mạch vành sau khi BN được đặt 1 stent trên LCX1 và tái lưu thông tốt (chú thích bằng mũi tên xanh).
Sau khi được can thiệp, triệu chứng đau ngực của bệnh nhân thuyên giảm ngay. Nam thanh niên tươi tỉnh hơn, bớt khó thở, ăn uống khá hơn và cử động được nhẹ nhàng trên giường. Xét nghiệm troponin giảm dần. Siêu âm tim kiểm tra thấy sức co bóp các thành cơ tim có cải thiện. Sau 5 ngày, bệnh nhân được ra viện kèm lời dặn uống thuốc mỗi ngày theo toa và khám hằng tháng tại chuyên khoa tim mạch.
BS Hương cho biết, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ timđang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30.
Các nguyên nhân thường được ghi nhận chủ yếu là do thói quen sống có hút thuốc lá, thừa cân – béo phì, có hội chứng chuyển hóa, rối loạn đông máu hơn là các yếu tố kinh điển như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.