Hà Nội: Ứng dụng robot phẫu thuật chỉnh gù, vẹo cột sống cho bệnh nhân

Thanh Hải 21/07/2019 08:00

Anh Ngô Văn Đ. (43 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đã được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang ứng dụng robot phẫu thuật chỉnh gù, vẹo cột sống.

Ngày 20/7, lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, các bác sĩ đã ứng dụng robot phẫu thuật chỉnh gù, vẹo cột sống cho bệnh nhân. Ca bệnh này sẽ khó khăn, thậm chí có nhiều nguy cơ không an toàn cho người bệnh nếu không có sự hỗ trợ của robot.

Hà Nội: Ứng dụng robot phẫu thuật chỉnh gù, vẹo cột sống - 1

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh nhân Ngô Văn Đ. (43 tuổi), trú tại phường Thượng Thanh - Long Biên - Hà Nội bị tình trạng vẹo cột sống, gù nặng vì căn bệnh lao cột sống.

Bác sĩ Kiên đánh giá đây là ca bệnh khó. Kết quả chụp CT scanner cho thấy hình ảnh tổn thương đặc hiệu của lao cột sống, gây biến dạng gù nặng kèm dính liền 2 thân đốt sống. Cuộc phẫu thuật chỉnh gù vẹo cho bệnh nhân sẽ rất khó khăn và nhiều nguy cơ không an toàn cho người bệnh nếu không sử dụng robot.

Bởi việc ứng dụng robot trong phẫu thuật sẽ cho phép các thao tác phẫu thuật được tiến hành 1 cách vô cùng chính xác.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, robot sẽ lập trình được toàn bộ các vị trí giải phẫu của cột sống lên màn hình 3D của máy tính, giúp các bác sĩ chủ động lập kế hoạch phẫu thuật 1 cách chi tiết cụ thể trước khi tiến hành phẫu thuật.

Với việc ứng dụng robot trong phẫu thuật cũng cho phép ​định vị, xác định các vị trí chính xác để thực hiện bắt vít vào cột sống, hướng bắt vít, kích thước và chiều dài của vít.

"Tất cả quá trình này đều được theo dõi, giám sát trên màn hình 3D, hình ảnh sắc nét, rõ ràng cho phép bác sĩ đánh giá độ chính xác của phẫu thuật", bác sĩ Kiên cho biết.

Hà Nội: Ứng dụng robot phẫu thuật chỉnh gù, vẹo cột sống - 2

Các bác sĩ bệnh viện đa khoa Đức Giang thực hiện ca phẫu thuật chữa gù, vẹo cột sống cho bệnh nhân với hệ thống robot hiện đại.

​Đặc biệt, hệ thống phẫu thuật robot có đi kèm hệ thống cảnh báo thần kinh giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương các bộ phận thần kinh như tủy sống và các dây rễ thần kinh. Điều này vốn rất khó khăn khi can thiệp không có sự hỗ trợ của robot, với các hình ảnh 3D, hệ thống cảnh báo thần kinh.

Tuy mang lại độ chính xác cao trong phẫu thuật, giảm nguy cơ biến chứng nhưng một hạn chế với việc ứng dụng robot trong phẫu thuật, đó là chi phí phẫu thuật cột sống có sử dụng robot còn cao.

Vì thế, để giúp người dân có điều kiện tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật này, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã phối hợp với công ty cung cấp robot hỗ trợ chi phí cho 5 ca đầu tiên mỗi ca 60 triệu đồng so với tổng chi phí quá trình phẫu thuật.

(Theo Hồng Hải/Dân Trí)

Thanh Hải