Kinh hoàng những vụ ngộ độc rượu ngâm cây rừng gây chấn động dư luận
PLBĐ - Trước vụ việc 3 người tử vong, 2 người nguy kịch nghi do uống rượu ngâm hạt cây rừng ở tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự khiến dư luận không khỏi hoang mang.
3 người tử vong, 2 người nguy kịch nghi do uống rượu ngâm hạt cây rừng
Sáng 11/7/2019, Bệnh viện đa khoa huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) tiếp nhận thông tin 5 người nghi do ngộ độc rượu. Trong số đó có 3 ca đã tử vong.
Các nạn nhân gồm Cao Minh Hoàng (27 tuổi), Cao Văn Yên (27 tuổi) và Cao Văn Hưng (24 tuổi, cùng trú huyện Khánh Vĩnh). Hai bệnh nhân nguy kịch là Triệu Đức Trung (18 tuổi), Cao Văn Lộc (30 tuổi, cùng trú huyện Khánh Vĩnh).
Trước đó, Phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Khánh Vĩnh nhận tin báo của người dân về việc phát hiện 5 người nằm bất động ở khu vực gần đường đèo Khánh Lê (xã Sơn Thái).
Khi xe cấp cứu tới hiện trường, 3 người đã tử vong, 2 người khác trong tình trạng nguy kịch.
Người dân thông tin 5 người trên mang rượu vào khu vực rẫy để uống, sau đó thì xảy ra sự việc đau lòng trên. "Hai bệnh nhân nhập viện có dấu hiệu bị ngộ độc rượu. Người nhà cho biết họ uống rượu ngâm với hạt cây rừng", lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Khánh Vĩnh thông tin.
Uống rượu ngâm rễ cây lạ, 2 cậu cháu tử vong
Ngày 30/8/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra một v ngộ độc rượu dẫn đến 2 trường hợp tử vong.
Theo thông tin ban đầu, ngày 28/8, anh Vũ Quang V. (23 tuổi) cùng cậu ruột mình là ông Nguyễn Văn M. (41 tuổi) cùng trú thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My đã vào rừng tìm rễ cây ngâm rượu.
Đến chiều cùng ngày, 2 người mang về một số rễ cây lạ để ngâm. Khoảng 21h cùng ngày, cả 2 lại mang số rượu đã ngâm này ra uống. Tuy nhiên, khi uống hết khoảng nửa lít thì ông M. và anh V. bắt đầu lên cơn co giật rồi tử vong.
Theo Công an huyện Nam Trà My, tại hiện trường, cơ quan chức năng thu được một chai nhựa loại 1.5 lít chứa rượu và rễ cây. Dù chỉ mới ngâm được ít giờ nhưng rễ cây cho ra thứ nước rượu màu đỏ óng.
Người tử vong, người phải cấp cứu do uống rượu ngâm rễ cây rừng
Ngày 9/7/2018, ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến một người tử vong và một người trong cơn nguy kịch.
Vụ việc xảy ra vào khoảng hơn 19h ngày 8/7, anh Vi Văn Dần (SN 1986) và anh Vi Văn Sơn (SN 1985) trú tại bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu cùng nhau uống rượu tại nhà anh Dần.
Trong lúc đang uống thì cả hai người đều có biểu hiện bị ngộ độc, được vợ anh Dần và hàng xóm đến đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, anh Dần đã tử vong trên đường.
Anh Sơn được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu cấp cứu và ngay sau đó được chuyển xuống Vinh để tiếp tục cứu chữa.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là hai người bị ngộ độc rượu ngâm rễ cây rừng.
Một người nguy kịch sau khi uống rượu ngâm cây rừng ở nhà hàng xóm
Chiều ngày 22/3/2018, trung tâm Y tế huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, trung tâm đã tiếp nhận một ca cấp cứu nghi do bị ngộ độc rượu.
Nạn nhân là ông Lữ Văn D. (51 tuổi, ở bản Hủa Na 2, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nhhệ An).
Người nhà nạn nhân cho biết, vào khoảng 10h ngày 22/3, ông D. có sang nhà ông H. (trú ở cùng bản) để uống một loại rượu được ngâm cây rừng, sau đó thì tiếp tục uống rượu cần.
Đến khoảng 12h trưa cùng ngày, ông D. về đến nhà thì bất ngờ bị ngã, lên cơn co giật, sùi bọt mép và được người thân đưa đến trung tâm Y tế huyện Quế Phong để cấp cứu.
3 người chết, 1 người nguy kịch do uống phải rượu ngâm cây lá ngón
Ngày 19/3/2018, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An cho biết, các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân khiến 4 người ở xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị ngộc độc, trong đó có 3 người tử vong, 1 người nguy kịch.
Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu rượu mà 4 người ở Nghệ An uống phải là rượu được ngâm với cây rừng chặt nhỏ, phơi khô có chất Koumin, đây là hợp chất kịch độc có trong cây lá ngón.
Cây lá ngón còn có các tên gọi khác như câu vẫn, hoàng đằng, đoạn trường thảo,… phân bố phổ biến ở các huyện vùng núi phía tây tỉnh Nghệ An.
Theo đó, ngày 12/3, anh Moong Văn Đi (40 tuổi) và vợ là chị Lô Thị Văn (40 tuổi) mời anh Moong Văn Tuệ (37 tuổi, em trai anh Đi) và anh Lữ Văn Khăm (24 tuổi, em rể anh Đi), đều trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, đến nhà ăn cơm, uống rượu.
Sau khi uống rượu ngâm cây rừng do anh Đi tự làm, cả 4 người bị ngộ độc nặng với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu. Mặc dù được người thân và hàng xóm đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng anh Đi, chị Văn và anh Tuệ đã tử vong.
Người thân các nạn nhân cho biết, rễ và thân cây rừng ngâm rượu do anh Đi tự chặt trên rừng về ngâm rượu để uống.
Cách sơ cứu người bị ngộ độc rượu
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối cho bệnh nhân nằm, đầu và vai cao hơn. Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh cho nằm nghiêng sang một bên. Sau đó, tìm cách gây nôn hết, xát mạnh hai bên má.
Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân. Cần chú ý chăm sóc và theo dõi người bệnh (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết), tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... để tránh hạ đường huyết.
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... có thể giúp giải độc rượu dạng nhẹ.
Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.
Luôn quan sát kỹ người bệnh, nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... Hoặc nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Người dân cũng nên chú ý, với các loại rượu ngâm cây rừng không nên sử dụng tùy tiện để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
T.H (th)