Ngày 17/6, các chuyên gia Nhật Bản quây một khu vực là bãi bùn nổi rộng khoảng 70 m2 trên sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) để dùng công nghệ Nano-Bioreactor xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước. Trong khu vực thí điểm, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreator, lắp hệ thống phun mưa Nano, lấy nước thải từ bên ngoài tạo dòng chảy bên trong. Theo chuyên gia Nhật Bản, công nghệ này từng được sử dụng thành công ở Nhật và một số nước khác cách đây hơn 20 năm. Theo đó, nó có thể vừa làm sạch chất lượng nước, phân giải chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Đến nay, sau 3 tuần đi vào thí nghiệm, bằng mắt thường có thể nhìn thấy đáy bùn đang bị phân hủy nhờ xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm. Lớp bùn được xử lý dần chuyển màu. Các chuyên gia Nhật Bản đo lượng bùn và kiểm tra chất lượng nước trong sáng 8/7. Hàm lượng ô xy trong nước gần đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Từ khi áp dụng công nghệ Nhật Bản làm sạch sông Tô Lịch, cá trê bắt đầu xuất hiện ở khu vực. Được biết, kết quả dự án thí điểm dùng công nghệ Nano-Bioreactor xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước sẽ được công bố vào cuối tháng 7. (Theo VTC News)
Thanh Hải