Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị u màng não "khủng"

Thanh Hải 01/07/2019 16:00

Ngày 1/7, Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật thành công u màng não "khủng" cho một nữ bệnh nhân 52 tuổi.

Bệnh nhân Thạch Thị Sa Phên (SN 1967, người Khmer, ngụ tỉnh Vĩnh Long), được đưa đến BVĐKTƯ Cần Thơ ngày 23/6 trong tình trạng lơ mơ. Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân từng có những cơn đau đầu, mỗi lần tự uống thuốc thì giảm. Gần đây đau đầu ngày càng nhiều, uống thuốc không giảm, kèm theo tri giác lơ mơ, nên người nhà đưa BVĐK tỉnh Vĩnh Long khám phát hiện khối u não. 

Do khối u kích thước lớn, vượt khả năng điều trị nên BVĐK tỉnh Vĩnh Long chuyển bệnh nhân đến BVĐKTƯ Cần Thơ. Tại đây, khám lâm sàng, BS ghi nhận bệnh nhân lơ mơ, đau đầu nhiều, buồn nôn, không yếu chi.

thumb_660_e7129085-018a-4e25-951b-8f1dcad2f236
Hình ảnh khối u "khủng" trong đầu bệnh nhân Phên.

Trên CT-Scan sọ não có khối u vùng chẩm phải cực lớn với kích thước 57.5x69.6x66.2mm đẩy đường giữa lệch trái. Đây là khối u màng não lành tính, bám vào mặt trên lều tiểu não bên phải, nhưng do kích thước rất lốn, khối u phát triển ra phía sau, bám dọc theo xoang ngang, xoang Sigma và hội lưu Herophili. 

Nhận thấy khối u có kích thước khổng lồ, bám vào những vị trí dễ chảy máu và được cấp máu bởi nhiều mạch máu nuôi. Làm thế nào để hạn chế chảy máu, tạo điều kiện cho cuộc phẫu thuật thuận lợi? Đây là nỗi trăn trở không chỉ của các nhà phẫu thuật thần kinh mà còn là của các BS chẩn đoán hình ảnh. Thông qua hội chẩn bệnh viện gồm các chuyên khoa, các BS đưa ra hướng điều trị là phối hợp giữa kỹ thuật can thiệp nội mạch trước và phẫu thuật lấy u qua kính vi phẫu.

Ê kíp can thiệp nội mạch do BS Trịnh Thành Tínhtiến hành chụp mạch cho bệnh nhân để đánh giá mạch máu nuôi và tắc động mạch nuôi khối u màng não. Từ đó, ê kip xác định động mạch màng não giữa cung cấp lượng lớn máu nuôi khối u. Kết quả u màng não chẩm phải được cấp máu từ các nhánh của động mạch đốt sống phải và nhánh màng não giữa phải. 

BS Trịnh Thành Tín, cho biết: “Ê kíp sử dụng một ống siêu nhỏ, luồn từ động mạch đùi, tại vị trí cuống mạch nuôi khối u, các hạt vật liệu được bơm vào mạch máu, làm giảm dần khẩu kính lòng mạch và cuối cùng gây tắc mạch. Chụp kiểm tra sau cùng tắc hoàn toàn các nhánh nuôi khối u. Nút mạch trước mổ làm giảm lượng máu tới u, hạn chế nguy cơ chảy máu ồ ạt trong phẫu thuật; đồng thời làm khối u hoại tử dần, thời gian phẫu thuật được rút ngắn, tăng tính an toàn cho người bệnh. Nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời, kích thước khối u ngày càng to, sẽ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn bởi các biến chứng, như: liệt người, tần suất các cơn động kinh tăng lên, hôn mê, thậm chí tử vong”.

5d173cf0-b770-4d62-8fa9-e214cdb60f5f
Bệnh nhân Phên đang được điều trị tại BVĐKTƯ Cần Thơ. 

Sau 24h can thiệp nội mạch, ngày 26/6 bệnh nhân được đưa vào phòng mổ lần 2 để thực hiện phẫu thuật lấy khối u. Do đã được tắc mạch trước mổ, khối u trở nên mềm, ít chảy máu. Việc lấy giảm khối mô u ở trung tâm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Sau 4 giờ phẫu thuật với lượng máu mất không đáng kể, cuộc phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Chụp CT-Scanner đầu kiểm tra sau phẫu thuật cho thấy đã bóc tách hoàn toàn khối u. 

Sáng 1/7/2019, bệnh nhân đã tỉnh táo tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, dự kiến trong ngày chuyển xuống Khoa Ngoại Thần kinh tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp.

Thành công của ca phẫu thuật là do chẩn đoán, chuyển viện kịp thời của tuyến dưới và sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa BVĐKTƯ Cần Thơ. 

(Theo Văn Đức/CAND)

Thanh Hải