Ảnh: "Bảo bối" làm sạch sông Tô Lịch được đưa lên bờ bảo dưỡng
Sau hơn 1 tháng hoạt động, hàng loạt máy xử lý chất thải công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản ở sông Tô Lịch (Hà Nội) được đưa lên bờ đẻ tiến hành bảo dưỡng định kỳ, tăng công suất hoạt động.
Theo công bố kết quả thí điểm công nghệ Bio–Nano của Nhật Bản để cải thiện môi trường sông Tô Lịch, lượng bùn và mùi hôi đã giảm đáng kể sau hơn 1 tháng áp dụng.
Môi trường nước ở đoạn sông Tô Lịch thử nghiệm công nghệ làm sạch Nhật Bản được cải thiện rõ rệt.
Những ngày gần đây, công nhân đã trục vớt các máy Nano lên bờ để bảo dưỡng định kỳ. Một nhân viên tham gia bảo dưỡng máy cho biết: “Rất nhiều rác thải rắn bám xung quanh lưới bảo vệ máy sục nano khiến công suất hoạt động bị giảm. Sau khi bảo dưỡng, chúng tôi tiếp tục đặt máy vào đúng vị trí hoạt động”.
Cũng theo nhân viên này, mặc dù công nghệ có hiện đại đến mấy cũng sẽ “bó tay” nếu ý thức và thói quen sinh hoạt của con người không được cải thiện.
Việc xử lý nước thải, nhất là từ các nhà máy, bệnh viện, vẫn cần phải thực hiện nghiêm ngặt để hạn chế hóa chất, mầm bệnh, các loại chất thải độc hại khác đổ vào sông Tô Lịch.
Theo quan sát, hiện đoạn sông này nước đã sạch hơn. Mùi hôi từ lòng sông bốc lên cũng giảm đi nhiều. Màu nước không còn đen đục, nổi váng. Những chiếc máy sau khi bảo dưỡng xong hoạt động khỏe hơn, sục bọt nổi trắng xóa.
Sau nửa tháng, khu vực trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor vẫn đang hoạt động hết công suất.
Anh Hoàng, một người dân sống trên phố Nguyễn Đình Hoàn cho biết: “Trước đây, dòng sông ô nhiễm và bốc mùi hôi thối, rất sợ. Nhưng nửa tháng trở lại đây, tôi thấy nước sông Tô Lịch đã không còn mùi hôi thối, cuộc sống người dân cũng đỡ khổ hơn”.
Trước đó, công ty thoát nước Hà Nội đề xuất giải pháp bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây tạo lưu thông. Đến khi Hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
(Theo Đỗ Quân/Dân Trí)