Bệnh sởi có nguy cơ lây lan rộng do không tiêm phòng vắc xin

Thanh Hải 28/06/2019 17:00

Bộ Y tế dự báo, năm 2019 là năm chu kỳ của dịch sởi, nên số ca mắc bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nguy cơ lây lan rộng

Từ đầu năm tới nay, số ca mắc sởi trên cả nước vẫn còn cao ở nhiều địa phương và chưa có dấu hiệu giảm. Bộ Y tế dự báo, năm 2019 là năm chu kỳ của dịch sởi, nên số ca mắc bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số trên 21.000 ca sốt phát ban nghi sởi và trên 3.400 ca dương tính với bệnh sởi trên cả nước từ đầu năm tới nay, có tới hơn 96% là trẻ chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

Riêng tại Hà Nội, tuần qua đã ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi; nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay trên toàn thành phố lên 1.513 trường hợp, không có tử vong; bệnh đã xuất hiện tại 18 quận, huyện.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: "Năm 2019 là năm dịch sởi bùng phát theo chu kỳ, dự báo số mắc sẽ cao. Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi năm 2014, Hà Nội đã chuẩn bị các chiến dịch tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh từ sớm. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp số mắc sởi ở Hà Nội không tăng quá cao, vẫn dưới mức bình quân trong vòng 5 năm (2014 - 2018). Nhờ chiến dịch tiêm bổ sung mũi Sởi - quai bị - Rubella được triển khai mạnh, số mắc sởi trong nhóm 1 - 4 tuổi ở Hà Nội đang ở là mức thấp trong số ca mắc sởi nói chung.

GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá: Trong các năm 2013 - 2014, dịch sởi đã bùng phát nghiêm trọng ở Việt Nam với hơn 17.000 trường hợp mắc, hơn 100 trẻ tử vong, khiến hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Đây vẫn là bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vắc xin sởi.

Cũng là bài học về "anti" vắc xin, trào lưu này đã dẫn đến hậu quả, nhiều nước trên thế giới kể cả những nước đã từng công bố loại bỏ được bệnh sởi đang có xu hướng quay trở lại và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng tăng cao tại nhiều quốc gia, có tới 170 nước đã ghi nhận các ổ dịch sởi, đặc biệt tại châu Phi, số ca mắc tăng tới 700% hay Hoa Kỳ sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại 22/50 bang... Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu.

Tiêm chủng là quyền lợi của trẻ em

Theo GS.TS. Đặng Đức Anh, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đã đạt 95% ở quy mô xã phường. Do vậy, vẫn còn một phần nhỏ các cháu chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ do một số nguyên nhân như: Địa bàn khó khăn vùng sâu vùng xa, chưa bao phủ được toàn bộ; trì hoãn, ngần ngại đưa con đi tiêm khi trẻ ốm và do trào lưu chống vắc xin trên mạng xã hội, cản trở việc các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng.

Tổ chức Y tế thế giới coi việc do dự với vắc xin bao gồm việc từ chối hoặc không muốn tiêm chủng là một trong 10 mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019. Nếu cha mẹ từ chối tiêm chủng cho trẻ hoặc trì hoãn tiêm chủng, thì nguy cơ trẻ mắc bệnh cao. Thực tế, trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm hay trẻ em lớn và người lớn không được tiêm chủng đã mắc bệnh sởi trong những năm gần đây.

nhi soi 2(1)
Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Theo đó, việc từ chối tiêm chủng không chỉ đặt trẻ vào rủi ro mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng. Đặc biệt, với việc tiêm chủng, chỉ khi triển khai trên diện rộng, vắc xin mới thực sự phát huy hết tác dụng, tạo hàng rào miễn dịch, bảo vệ cộng đồng.

Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất, được trải qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, quá trình thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng, có tính an toàn nghiêm ngặt trước khi được cấp phép lưu hành. Vì vậy, các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm đưa con đi tiêm để bảo vệ quyền lợi của trẻ.

(Theo Tạ Nguyên/TTXVN)

Thanh Hải