Ảnh: Ghé thăm phòng điều hành tàu Cát Linh - Hà Đông
Những ngày gần đây, tại nhà điều hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hàng chục học viên lái tàu đã được thực hành trên thiết bị buồng lái mô phỏng cũng như trên tuyến đường.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Hiện toàn tuyến đang chạy thử nghiệm
Sẽ có 7 người làm việc tại Trung tâm vận hành để điều chỉnh, xử lý sự cố trên toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông thông qua hệ thống thông tin vô tuyến và tín hiệu.
Trung tâm vận hành có chức năng đảm bảo tàu vận hành đúng quy trình, xử lý khi tàu gặp sự cố.
Ở mỗi nhà ga đều có nhân viên hướng dẫn hành khách lên tàu, cũng như đảm bảo an toàn.
Mỗi nhà ga đều được lắp đặt cửa soát vé tự động. Có 6 cửa soát vé: 3 cửa vào, 3 cửa ra. Mỗi cửa trong 1 phút có thể đọc được 42 hành khách.
Tàu điện trên cao chạy làn đường riêng với tốc độ ổn định, trung bình đạt 35 km/h. Do đó, thời gian lưu thông bằng tàu điện sẽ tối ưu hơn so với xe buýt hiện tại.
Được biết, để chuẩn bị cho việc dự án vận hành thương mại, các lái tàu đã được kết hợp giữa lái tàu thực tế trên tuyến và thực hành trong buồng lái mô phỏng để xử lý các tình huống, qua đó giúp ứng dụng thuần thục hơn về lý thuyết cũng như xử lý tình huống bất ngờ.
Trước đó các lái tàu đều được đào tạo và thực hành trên tuyến đường sắt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong một năm, đạt kinh nghiệm lái tối thiểu 5.000 km đường sắt tại Trung Quốc; nhiều người đạt đến 20.000 km.
Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn có 4 toa. Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Trên khoang tàu hành khách có thể thoải mái ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố theo góc nhìn hoàn toàn mới.
Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiển trong tình huống khẩn cấp.
Lộ trình tuyến đường được thể hiện trên mỗi cửa ra vào, ở mỗi toa tàu đều có cửa dành cho người khuyết tật.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dự án vận hành thương mại vào 30/4 vừa qua song mốc này không thực hiện được do dự án chưa hoàn thành các thủ tục nghiệm thu; hiện thời gian cụ thể sẽ vận hành thương mại của dự án chưa được công bố.
(Theo Dân Việt)