Nghẹn ngào khoảnh khắc người mẹ ung thư giai đoạn cuối lần đầu gặp con
Sau bao khát khao cháy bỏng, ngày 13/6, người mẹ bị ung thư vú Nguyễn Thị Liên 28 tuổi ở Hà Nam) cũng đã được lần đầu tiên ôm đứa con bé bỏng Đỗ Bình An (23 ngày tuổi) vào lòng vỗ về.
Vừa sinh con, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Liên đã mỗi người mỗi ngả. Chị ở lại bệnh viện K vì đã ung thư vú giai đoạn cuối, rơi vào hôn mê những tưởng không tỉnh lại. Con trai Đỗ Bình An của chị ngay khi lấy ra khỏi bụng mẹ đã phải khẩn cấp đưa lên xe cấp cứu chuyển về bệnh viện Phụ sản Trung ương theo dõi.
20 ngày sau sinh, ngày 13/6 chị đã được đến Bệnh viện Phụ sản trung ương thăm con. Lần đầu được nhìn cậu con trai chị rứt ruột đẻ ra, được ôm con trai bé bỏng vào lòng, hai mắt chị nhòe nước.
"Hành trang" sang thăm con của chị Liên cũng rất đặc biệt, do chị vẫn phải thở oxy.
Khung cảnh trong phòng chăm sóc sơ sinh, Trung tâm sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương buổi sáng hôm ấy ai nhìn thấy cũng phải nghẹn lòng. Người mẹ yếu ớt, đứng vẫn còn run rẩy với cái đầu rụng hết tóc ôm sinh linh bé bỏng trong lòng. Nhìn con ngọ ngoậy trong lòng mẹ, oe khóc, chị khóc, cười vì hạnh phúc, vì ước nguyện ôm con đã thực hiện được. Điều ấy vốn giản dị với bất cứ bà mẹ nào, nhưng với chị, đó là sự nỗ lực vượt qua bệnh tật, có những lúc tưởng như đã đầu hàng số phận.
Bình An say ngủ chờ mẹ đến.
Bác sĩ điều trị chia sẻ, khi chị mới sinh con (ngày 23/5), ngay trong cuộc sinh huyết động đã không ổn định, chị đang ung thư vú giai đoạn cuối di căn, các bác sĩ tiên lượng ngay sau khi lấy thai sẽ là một cuộc chiến nặng nề.
Dù trải qua rất nhiều đau đớn, thậm chí nguy hiểm tính mạng nhưng chị Liên khẳng định dù có được lựa chọn lại, chị vẫn lựa chọn sinh Bình An.
Đúng như tiên lượng, chị chỉ tỉnh táo khoảng 2 ngày sau mổ lấy thai, uống được một chút sữa rồi rơi vào tình trạng khó thở, hôn mê phải thở máy.Các bác sĩ bệnh viện K đã rất nỗ lực hồi sức, dùng các thuốc tốt nhất, với hi vọng sản phụ có thể tỉnh lại để chị có thể được gặp con một lần, ôm con trai vào lòng. Những lúc Liên hôn mê, diễn biến xấu, khoảng cách 10 cây số giữa bệnh viện K và bệnh viện phụ sản Trung ương khiến điều ước được thăm con trở nên mong manh, các bác sĩ cũng không dám chắc chắc có thực hiện được ước nguyện đó.
Sau bao nỗ lực, đến ngày 29/5, bệnh nhân đã tỉnh lại dù vẫn đang phải thở máy. Mỗi ngày, sức khỏe của chị tốt lên một chút. Rồi chị “giao tiếp” với mọi người bằng chữ viết. Những dòng chữ “chồng em đâu”, “con em thế nào” liên tục được chị viết.
Để chuẩn bị cho ngày sang thăm con, với chị và các bác sĩ Bệnh viện K mỗi ngày đều là “cuộc chiến” với bệnh tật. Bệnh của chị Liên đã ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn vào phổi, gan và nhiều cơ quan, chị không đủ sức khỏe để có thể tiến hành tiếp bất kỳ ca mổ nào. Ngoài chăm sóc, nâng đỡ thể trạng để chị khỏe lên để bước vào phác đồ điều trị ung thư, các bác sĩ còn “kê đơn” cho chị liều thuốc tinh thần rất đặc biệt. Đó là những hình ảnh, clip ngắn của con trai chị được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển sang.
Xem hình ảnh con mỗi ngày qua điện thoại là liều thuốc tinh thần để chị Liên quyết tâm khỏe lên.
Nhìn thấy hình ảnh, clip của cu cậu khi thì đang ngọ ngoậy, khi thì đang oe oe đòi ăn, khi lại đang ngủ êm đềm như một thiên thần…chị Liên khi cười, khi trào nước mắt nhưng đó là động lực rất lớn để chị Liên khỏe lên mỗi ngày.
Mỗi lần nhìn hình ảnh của con, đôi mắt chị ánh lên niềm vui, niềm hi vọng và cả sự quyết tâm chiến đấu với bệnh tật để có thể được sang thăm con, ôm con vào lòng và xa hơn nữa sẽ cùng con trên chặng đường trưởng thành của bé.
Chồng chị Liên tâm sự, từ lúc hôn mê cho đến lúc tỉnh lại và có thể giao tiếp bằng viết trên bảng, lúc nào vợ anh cũng đòi sang gặp Bình An.
Khi tỉnh lại, chị Liên chia sẻ, nếu được lựa chọn lại, chị vẫn lựa chọn sinh con. Chị là một người mẹ, và không một người mẹ nào lại có thể từ chối đứa con của mình. Mỗi ngày nhìn thấy sự thay đổi của con, chị càng quyết tâm khỏe hơn, để mong nhanh được gặp Bình An.
Được ôm con vào lòng sau bao ngày xa cách, nụ cười hạnh phúc đã nở trên môi người mẹ trẻ. Chị lên xe trở về bệnh viện K điều trị với một lời dặn dò, cũng như lời hứa với con: “Ở đây, bao giờ mẹ khỏe, mẹ sang”.
(Theo Dân Trí)