Vào vụ thu hoạch, một phần rất lớn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) được xuất đi các tỉnh xa như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định..., và xuất cả sang Trung Quốc. Cách giữ độ tươi ngon duy nhất được người dân Lục Ngạn sử dụng là dùng đá lạnh để ngâm ướp. à một trong những cơ sở sản xuất đá cây lớn nhất tỉnh Bắc Giang, hiện trung bình mỗi ngày đơn vị của ông Giang Văn Triệu (Lục Ngạn, Bắc Giang) làm ra trên 4.000 cây đá. Các cây đá này sẽ được xe tải chở đi tiêu thụ khắp Lục Ngạn. Những ngày này, hệ thống làm đá cây của ông Triệu vận hành 24/24 với tổng cộng gần 50 nhân công để đảm bảo có đủ đá cung cấp cho thị trường vải thiều. Để có được sản phẩm đá cây đạt chất lượng tốt, đáp ứng được lượng lớn đá lạnh vào mùa vụ, ông Triệu phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng. Hệ thống hạ nhiệt nước hiện đại trị giá hàng tỷ đồng tại cơ sở sản xuất đá cây của ông Triệu hoạt động hết công suất trong những ngày này. Ông Triệu chia sẻ: "Hết mẻ này lại tới mẻ khác, làm liên tục mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong những ngày cao điểm. Muốn có đá đạt tiêu chuẩn thì phải đủ thời gian thì đá mới già, đá mới lâu tan". Công nhân làm việc liên tục và khẩn trương cung cấp đá cho thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Mặc dù làm việc trong môi trường đá lạnh nhưng những người công nhân ở đây vẫn thấy khá nóng bức. Trung bình mỗi một cây đá có trọng lượng khoảng trên dưới 50kg, khi xuất xưởng được ông Triệu bán với giá 30.000 đồng/cây nhưng dự kiến trong vài ngày tới, giá sẽ tiếp tục tăng, đỉnh điểm có thể đạt 50.000 - 55.000 đồng/cây. "Mỗi mùa làm đá cao điểm kéo dài bằng với mùa vải thiều thì doanh thu của những cơ sở quy mô lớn có thể lên tới hàng tỷ đồng", ông Triệu chia sẻ. Đá ra lò là có xe tải đến bốc hàng chuyển đi ngay. Nhiều thời gian xe tải chở đá không đủ cung cấp cho các trạm đóng gói vải thiều. Đá cây sau khi đến trạm đóng gói vải thiều ngay lập tức được chặt thành từng khúc, sau đó tiếp tục được chặt thành từng miếng nhỏ hơn để phục vụ cho việc ướp vải. Đá nhỏ được đưa vào bể ngâm vải. Quả vải bình thường sẽ bị thâm đen chỉ một ngày sau khi được hái, nhưng có thể giữ tươi ngon tới vài ngày nếu được ướp lạnh cẩn thận. Đây cũng là lý do Lục Ngạn trờ thành nơi tiêu thụ đá lạnh lớn như vậy bởi mỗi năm địa phương thu hoạch trung bình khoảng 80 nghìn tấn vải, cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. (Theo Dân Việt)
Thanh Hải