Thời gian gần đây, du khách thập phương khi đặt chân tham quan di tích Chùa Cầu (nằm bắc qua con kênh nhỏ, giao nhau giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú) không khỏi ngao ngán trước tình trạng ô nhiễm tái diễn ở công trình được xem là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Trước đó, tháng 11/2018, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước với công nghệ xử lý nước thải hiện đại tại khu vực Chùa Cầu chính thức được đưa vào vận hành với công suất 3.000-5.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ Yên Nhật, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỷ Yên Nhật (khoảng 228 tỷ đồng), còn lại do TP Hội An đối ứng. Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực mà còn đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra kênh Chùa Cầu. Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các xã, phường: Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An. Tuy nhiên, kênh nước chảy dưới chân di tích hàng trăm năm tuổi này chỉ hết mùi hôi được vài tháng. Hiện, khu vực này lại tái diễn tình trạng ô nhiễm khiến du khách phải nín thờ mỗi khi qua đây. Đặc biệt, những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, dòng nước dưới chân Chùa Cầu lại chuyển sang màu đục ngầu kèm theo đó là mùi hôi không tài nào chịu thấu. Chùa Cầu được tọa lạc trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Nguyên nhân khiến kênh Chùa Cầu ô nhiễm trở lại được xác định do thời gian lượng nước thải ở thành phố tăng lên đột biến khiến hồ điều hòa bị ô nhiễm nghiêm trọng làm cho môi trường cảnh quan Chùa Cầu bị ảnh hưởng theo. (Theo VTC News)
Thanh Hải