Theo ghi nhận vào sáng ngày 28/5, 4 chiếc "bảo bối của Nhật với công nghệ nano vẫn đang hoạt động tích cực dưới lòng sông Tô Lịch tại thí điểm ở đầu đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). 4 chiếc máy công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản sẽ thay nhau lọc liên tục trong suốt 24h. Một lớp lưới bọc bên ngoài để rác, bùn không bị hút vào, ảnh hưởng đến máy chạy. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy nước mặt sông Tô Lịch đã trong hơn, cảnh vật hai bên bờ có thể soi bóng dưới mặt nước. Tuy nhiên nước sông vẫn có màu đen nhưng đã bớt đục. Người dân sống xung quanh cho biết, nước sông Tô Lịch bắt đầu có chuyển biến tích cực. "Tuy vẫn còn màu đen nhưng mặt nước đã trong hơn có thể nhìn xuống đáy bùn, mùi đã đỡ đi rất là nhiều so với lúc trước khi lắp máy", chú Chương sống gần đó chia sẻ. "Mặc dù màu nước chưa chuyển biến nhưng đã có dấu hiệu tích cực từ máy lọc nữa, tôi hy vọng thí điểm thành công để đưa vào vận hành trên cả dòng sông", chị Phương làm việc gần đó chia sẻ. Hệ thống bio - nano đặt xuống lòng sông Tô Lịch sẽ trở thành "nhà máy" xử lí nước thải với công suất lên tới 1.350.000m3/ ngày đêm. "Gần đây đã thấy nhiều sinh vật xuất hiện dưới lòng sông đặc biệt là cá, chúng hay ngoi cạnh chỗ bọt trắng", chú Việt chia sẻ. Rất nhiều người đi qua quan tâm, dừng lại quan sát sông Tô Lịch. Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của Thủ đô. (Theo Duy Phạm/Tiền Phong)
Thanh Hải