42/43 em trong lớp có giấy khen học sinh giỏi: Báo động bệnh thành tích trong giáo dục
PLBĐ - Câu chuyện một lớp học ở Bà Rịa - Vũng Tàu có 42/43 em đạt học sinh giỏi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng đây lại là một biểu hiện của bệnh thành tích.
Câu chuyện 42/43 em một lớp 6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận giấy khen học sinh giỏi một lần nữa xới lên chủ đề chất lượng, thành tích giáo dục trong trường học.
"Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài".
Đó là tâm sự của anh Hùng (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) sau khi họp phụ huynh cuối năm cho cháu. Người này thấy ngỡ ngàng với chính thành tích của cháu mình. Anh không tin một đứa trẻ 12 tuổi "đang có nhiều vấn đề" lại được đánh giá là học sinh giỏi.
Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, anh Hùng cho biết vì anh trai bị bệnh, chị dâu phải theo chăm sóc, cháu trai ở với anh vài tháng nay. Anh thay bố mẹ bé đi họp phụ huynh cuối năm.
Kết quả, cháu anh có tên trong số 42 học sinh giỏi của lớp. Thế nhưng, không những không vui, người đàn ông này còn "có gì lấn cấn" giữa kết quả học tập và thực tế những gì cháu mình biểu hiện khi ở nhà.
"Tôi chưa thấy đứa trẻ nào thất bại như cháu mình, 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Chưa bao giờ thấy cháu nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực", anh Hùng nhận xét.
Trong vài tháng chăm sóc, quan sát, người chú nhận ra cháu mình bị nghiện tivi, game, do trước đây cha mẹ ít quan tâm, để con chơi điện thoại, máy tính. 12 tuổi, bé đã cận 7 đi-ốp. Thêm vào đó, khả năng ngôn ngữ của nam sinh không được như các bạn đồng trang lứa. Cháu hay cáu gắt và khóc nếu người khác không đáp ứng yêu cầu của mình. Quan trọng hơn, cậu bé học lớp 6 nhưng không biết yêu thương người khác.
"Cháu học chính buổi chiều, buổi sáng phụ đạo ở trường. Học cả ngày trên trường, tối về nhà, tôi không thấy nó đụng vào sách vở bao giờ. Một đứa trẻ như vậy nhưng vẫn được xếp loại giỏi, hạnh kiểm tốt, khiến tôi thực sự hoài nghi cách đánh giá của thầy cô", anh Hùng nói.
Người đàn ông này cho hay lớp 6 của một trường THCS bình thường mà đạt 98% học sinh giỏi, trong đó có cháu mình, khiến phụ huynh không thể không đặt câu hỏi: Các bé quá xuất sắc hay giáo dục nặng thành tích?
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với báo Người đưa tin, bà Nguyễn Thị Miền, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình xác nhận thành tích trên là đúng. Đó là lớp 6/2, với 42 học sinh đạt học lực giỏi trong tổng số 43 học sinh (học lực giỏi chiếm 97,7%).
Tuy nhiên, Hiệu trưởng cũng khẳng định: “Vì đầu vào gần như 100% học sinh giỏi. Chuyện đánh giá học sinh theo đúng quy chế, trường tôi không có chuyện “mập mờ”. Chúng tôi thuê đề thi, các thầy cô không trực tiếp ra đề, xếp thi theo danh sách tên, việc chám thi cũng được tiến hành kỹ, nên hoàn toàn yên tâm chất lượng. Cách đánh giá của nhà trường hoàn toàn công bằng, khách quan.
Chúng tôi đánh giá về năng lực chứ không đưa đánh giá kỹ năng; còn hạnh kiểm thì tất nhiên nếu vi phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm”.
Sau câu chuyện 42/43 em trong một lớp được học sinh giỏi, nhiều độc giả cho rằng ngày trước, giấy khen là phần thưởng vinh dự, phản ánh cả quá trình phấn đấu, thực chất hơn giấy khen ngày nay.
Thậm chí, nhiều phụ huynh nhanh chóng chia sẻ thêm những câu chuyện của bản thân về vấn nạn thành tích trong học đường.
Anh Lê Đình Quế bày tỏ: “Đa số giáo viên vẫn chạy theo thành tích ảo, không dám cho học sinh học lực trung bình, chứ đừng nói yếu. Với tờ giấy khen hình thức, sau này, các em vào đời cùng hành trang không kỹ năng sống, không kỹ năng giao tiếp, không kỹ năng suy nghĩ, hành động theo cảm tính, lười tư duy và vận động”.
Anh Hồ Công Xứng (TP.HCM), có cháu trai đang học lớp 9 cho biết, vì cháu anh học lực không đạt loại khá giỏi, nên được cô giáo và nhà trường “động viên” không thi vào lớp 10, kẻo ảnh hưởng đến thành tích chung của trường.
Trước những câu chuyện về bệnh thành tích, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Biểu hiện bệnh thành tích ở đây quá rõ ràng. Trong thống kê, một hiện tượng nào cũng vậy, biểu diễn một tập thể luôn là đồ thị của hàm Gauss (hình cái chuông), nếu vẽ đồ thị trong trường hợp vừa rồi, điểm cao nhất là 42, điểm thấp nhất lại chỉ là 1 thì quá vô lý.
Những biểu hiện như vậy ngay lập tức phải phê phán, không ai chấp nhận được. Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo thi đua đánh giá đúng, chính xác thực lực của học sinh, ai đánh giá sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta cứ lồng tất cả vào để đánh giá giáo viên, một lớp có vài học sinh kém, giáo viên sẽ “du di” đưa từ kém lên trung bình, lên khá, giỏi…”.
Ông cũng phân tích: “Người Hiệu trường phải gương mẫu, làm thật nghiêm, không chấp nhận hành động “làm đẹp học bạ” của giáo viên. Cứ tình trạng này, nếu bây giờ mà căn cứ vào điểm phổ thông để xét tuyển đại học thì học bạ nào cũng “đẹp như tranh vẽ”.
Tình trạng trong năm học có thể kém, nhưng đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm, “ai cũng được giấy khen”, thành tích lại nở rộ. Người người, nhà nhà khoe giấy khen “học lực giỏi, hạnh kiểm tốt” của con lên mạng xã hội. Những con số đẹp cũng được thầy cô công bố trong buổi họp phụ huynh cuối năm, gần như 100% học sinh của lớp đạt loại giỏi”.
“Điều đó thật đáng báo động, cần những chỉ đạo sát sao để lọc những kết quả, chất lượng “ảo” ra khỏi ngành, đồng thời đảm bảo tương lai cho học sinh”, ông nhấn mạnh.
T.H (th)