Đình chỉ cô giáo nhiều lần bắt học sinh quỳ gối trong lớp học
PLBĐ - Cô giáo Lê Thị Quy đã bị Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) đình chỉ công tác để làm tường trình và kiểm điểm bản thân về hành vi bắt một nam sinh quỳ trong lớp.
Liên quan đến vụ việc cô giáo thường xuyên bắt học sinh quỳ trong lớp học, báo Lao Động mới đây đã đăng tải thông tin mới nhất. Theo đó, tối 11/5, ông Nguyễn Như Ý - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết, đơn vị đã thành lập tổ công tác xuống ngay nhà trường tổ chức hội nghị để xác minh sự việc báo chí phản ánh việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệụ bắt học sinh quỳ trước lớp trong giờ học Toán.
Qua xác minh, cô giáo Lê Thị Quy đã thừa nhận việc bắt học sinh quỳ trước lớp trong giờ Toán và có trình bày việc cô bắt học sinh quỳ trước lớp là thực hiện theo ý kiến của một số phụ huynh trong lớp đề nghị.
Ngoài ra, tổ công tác cũng đã xuống lớp 9B, trực tiếp làm việc với 29 học sinh có mặt và học sinh đều khẳng định việc cô giáo bắt học sinh quỳ trước lớp trong giờ học Toán là có thật.
Theo ông Nguyễn Như Ý, hành vi của cô giáo Lê Thị Quy là không đúng quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên.
“Bản thân tôi cũng rất bất ngờ với trường hợp này, bởi cô giáo có đến 20 năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm. Trong sự việc này hoàn toàn có thể có những biện pháp giáo dục học sinh khác và tích cực hơn” - ông Ý thông tin.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín đã giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng nhà trường tạm đình chỉ việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm của cô giáo Lê Thị Quy 1 tuần, bắt đầu từ ngày 13/5 để làm tường trình và kiểm điểm về hành vi của mình.
Nhà trường cũng phân công giáo viên đủ điều kiện để đảm nhiệm thay thế việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp của cô Quy. Trong thời gian sớm nhất, Trường THCS Tô Hiệu phải hoàn thành hồ sơ vụ việc và báo cáo về Phòng GD&ĐT huyện để các cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý.
Trước đó, vào ngày 10/5, trên mạng xã hội facebook xuất hiện bức ảnh một học sinh tại Hà Nội quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh về vấn đề này.
Theo đơn kiến nghị của phụ huynh đăng trên mạng xã hội, học sinh vi phạm quy định của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp yêu cầu hai em quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó, một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên bị giáo viên đuổi ra khỏi lớp.
Ở thời điểm đó, trả lời Trí thức trẻ, cô Lê Thị Quy cho rằng đã làm theo yêu cầu của phụ huynh, từng trao đổi rằng con rất hư, bỏ học nhiều buổi.
“Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh. Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại. Bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến” - nữ giáo viên cho biết.
Tuy nhiên, chị N.T.L., mẹ củanam sinh bị bắt quỳ lại cho biết con mình bị phạt như vậy chỉ do nói chuyện trong lớp: "Hôm đó, con trai tôi nói chuyện trong giờ nên bị cô bắt quỳ nhưng cháu không chấp nhận hình phạt, vì cho rằng đó là sỉ nhục. Một học sinh khác vẫn quỳ. Sau đó, cứ đến tiết Toán của cô chủ nhiệm, con tôi bị đuổi ra khỏi lớp".
Tối kỵ xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh
Về hình phạt bắt học sinh quỳ trước lớp, bà Lê Thị Loan - nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng có nhiều cách trách phạt nhưng không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò. Đó là điều tối kỵ.
Hình phạt là phương pháp giáo dục hướng đến mục đích giúp các em nhìn ra lỗi sai của mình và sửa chữa. Ở đây, cô giáo yêu cầu học sinh quỳ có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó. Đây được coi là hình phạt nặng và phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.
Bà Loan cho rằng kể cả làm theo yêu cầu của phụ huynh và đã được ghi rõ trong biên bản, giáo viên vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Có thể phụ huynh chưa thực sự hiểu hết nhạy cảm đằng sau việc bắt con quỳ trước lớp, và nghĩ “yêu cho roi vọt” nên yêu cầu giáo viên kỷ luật bằng cách bắt quỳ. Thầy cô là những người hiểu biết, có phương pháp sư phạm, cần giải thích cho cha mẹ hiểu người lớn không được quyền làm vậy với các con.
“Đó là chưa kể hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo” bà Loan nêu quan điểm.
Nguyên cán bộ của Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng, nếu em học sinh đó vi phạm đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường đình chỉ môn học trong thời gian nhất định. Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.
“Cô giáo đuổi học sinh khỏi giờ dạy của mình và không quản lý thì đang mắc lỗi sai nghiêm trọng. Giả sử khi bị đuổi khỏi lớp, học sinh ra đường và xảy ra việc đáng tiếc thì sao. Với tư cách là nhà giáo, tôi phản đối cách giáo dục này”, bà Loan nói.
T.H(th)