Hội đồng Quản trị của Vinaconex hoạt động trở lại, cổ phiếu VCG tăng mạnh
Tòa án đã có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời "Buộc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019".
Ngày 25/4, TAND quận Đống Đa đã chính thức có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời "Buộc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019". Như vậy, Hội đồng quản trị (HĐQT) bầu ngày 11/1/2019 đã có quyền hoạt động trở lại sau gần một tháng bị tạm dừng khiến cổ phiếu VCG bị ảnh hưởng mạnh.
TAND quận Đống Đa cũng có quyết định định chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc kinh doanh thương mại bởi tính đến ngày nộp đơn kiến nghị, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đều là những cổ đông chưa sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ công ty quy định trong Luật Doanh nghiệp. Do vậy hai cổ đông này không có quyền yêu cầu giải quyết việc hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Trước đó, TAND quận Đống Đa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019. Đây là phiên đại hội bầu HĐQT và Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022. Ngay sau quyết định nói trên, Vinaconex có văn bản khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Hà Nội và Chánh án TAND quận Đống Đa.
Trong đó, Vinaconex kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp mà cơ quan này vừa ban hành. Đồng thời, Vinaconex yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp nói trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố.
Ngoài Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, hiện cổ đông lớn nhất của Vinaconex là Công ty TNHH An Quý Hưng, sở hữu 57,7% cổ phần mua lại từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018, sau khi đơn vị này chịu chi đắt hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với thị giá.
Đại hội bất thường ngày 11/1 được tổ chức sau khi Vinaconex có thay đổi trong cơ cấu cổ đông. Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị (Ecopark) vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Ngoài ra, HĐQT mới của Vinaconex còn có ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch HĐQT Công ty An Quý Hưng), ông Dương Văn Mậu (Phó tổng giám đốc Vinaconex), ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Bùi Tuấn Anh (Trợ lý Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Nguyễn Quang Trung là Phó tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà - Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Mới đây trong văn bản gửi các cổ đông thông báo việc hoãn phiên họp thường niên năm 2019, Vinaconex cho biết HĐQT - chịu trách nhiệm triệu tập phiên họp thường niên năm 2019 - đang bị tòa án buộc phải tạm dừng hoạt động. Theo đó, tổng công ty không có người triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên họp, theo kế hoạch sẽ được tổ chức ngày 23/4.
Như vậy, sau khi có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, HĐQT mới bầu ngày 11/1 sẽ hoạt động trở lại và có quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Cổ phiếu VCG của Vinaconex trong phiên giao dịch hôm nay đã có phản ứng tích cực sau phán quyết của tòa án. Cổ phiếu VCG có lúc tăng tới 2,6% lên 27.300 đồng so với mức 26.600 đồng ngày hôm qua.
(Theo Hà Nhân/Tiền Phong)