Vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Khởi tố thêm 3 nữ giáo viên
PLBĐ - Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 nữ giáo viên trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia ở Hòa Bình năm 2018.
Theo báo Thanh niên thông tin, mở rộng điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, ngày 24/4, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 3 cá nhân trong tổ chấm thi môn tự luận, cùng về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định tại điều 356 bộ luật Hình sự 2015.
Các bị can bao gồm: Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân (ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); Nguyễn Thị Hồng Chung, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (ở phường Thái Bình, TP.Hòa Bình) và Bùi Thanh Trà, giáo viên Trường THPT Lương Sơn (ở thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công An cho thấy, các bị can nêu trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao, trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các giám khảo khác thực hiện chấm thi tự luận môn Ngữ văn trái Quy chế thi THPT Quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến vụ việc, theo thông tin từ báo Người đưa tin, ngay trong ngày hôm nay 24/4, sau khi VKSND tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của 03 bị can nêu trên.
Báo Dân trí cho hay, trước đó Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và THPT huyện Lạc Thủy; Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
Được biết, căn cứ kết quả điều tra, lời khai của bị can, Cơ quan điều tra đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm.
Kết luận giám định xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn thi.
Ba trường công an đã trả 28 sinh viên Hòa Bình về địa phương để bàn giao cho gia đình quản lý do điểm chấm thẩm định giảm, vi phạm cam kết với nhà trường.
Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã xóa tên một thủ khoa năm 2018 do chỉ đạt 21,5 điểm, thấp hơn mức trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn 2,5 điểm.
Trong số thí sinh bị trả về, có nhiều em được cho là con cháu của lãnh đạo tỉnh, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát PCCC,... gây xôn xao dư luận.
Hiện vụ án gian lận thi cử vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
T.H (th)