Cảm thương số phận người phụ nữ bất hạnh bươn bả cả ngày mong chữa bệnh hiểm cho em
Số phận bi đát của hai chị em nương tựa vào nhau sống cho qua ngày khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Theo chân bác Nguyễn Thị Liên - Bí thư xóm 2, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chúng tôi đến thăm hoàn cảnh của hai chị em chị Trần Thị Đặm. Ở cái xứ này, dù có cách xa cả vài ki lô mét, cứ hỏi chị Đặm “điếc” ai cũng sẽ biết để kể chuyện vì bao nhiêu năm ai cũng xót thương cho hoàn cảnh bi đát của chị.
Không có được ngoại hình xinh xắn, gương mặt chị loang lổ những ô vệt trắng, cộng với tính chậm chạp, không nói không rằng nên chị chẳng kiếm được cho mình một tấm chồng để khó khăn sớm hôm có thể tựa vào nhau.
Trở vào thăm chị, người phụ nữ đáng thương ấy cứ cúi gằm mặt xuống cần mẫn từng mũi khâu trên chiếc nón bởi chỉ cần chị lơ là một chút thôi là chiếc nón sẽ không được hoàn thành và đồng nghĩa là chị sẽ không có được 20 ngàn đồng.
Chị Đào Thị Ngọc Lan (cháu chị Đặm) ái ngại kể chuyện: “Cô ấy chậm chạp nên làm việc cũng không năng suất như người bình thường nhưng được cái là chăm chỉ lắm chị ạ. Chú Triệu là em cô ấy bị bệnh đao từ bé, dạo này là cứ ôm bụng đau dữ dội, mọi người cho đi khám ở tuyến dưới thì bác sĩ đang nghi là bị ung thư trực tràng phải lên tuyến trên đấy nhưng nhà không có tiền nên đành chịu. Cô Đặm cô ấy biết chuyện nên cả đêm cô ấy thức để khâu nón, mong kiếm tiền đưa em đi bệnh viện”.
Hiểu được sự tình trong gia đình chị Đặm, chúng tôi quả thật không dám hỏi gì nhiều để cho chị tập trung khâu nón. Em trai chị là anh Triệu khi đó vẫn đang ngồi ở 1 góc nhà, chỗ bức tường loang lổ cáu bẩn của rêu xanh, trên chiếc đệm cũng đầy lấm bẩn. Gương mặt anh ngờ nghệch, đáng thương đến tội nghiệp, mọi người bảo anh đang dỗi vì quá trưa rồi mà chị gái vẫn chưa có gì cho ăn. Chị Đặm cũng vậy, chắc là chị cũng đang đói lắm nhưng cứ cố, cứ ngồi khâu… bởi mục tiêu duy nhất của chị là kiếm tiền cho em đi bệnh viện.
“Chúng tôi ở đây cứ qua luôn để nhắc hai chị em phải ăn rồi lại làm tiếp. Có nhiều hôm, người làng còn mang cơm cho hay có gì thì mang cho hai chị em ăn. Hoàn cảnh nhà cô ấy tội nghiệp quá, lại không có ai để dựa vào nên chỉ dựa vào việc khâu nón để kiếm tiền thôi”- Bác Liên (Bí thư xóm 2) xót thương kể chuyện.
Trong suốt cả buổi nói chuyện, chị Đặm chỉ ngước lên nhìn chúng tôi một chút rồi lại cặm cụi làm. Chốc chốc anh Triệu lên cơn đau, lại vật cả người xuống sàn nhà thì chị mới chạy ra đỡ và lấy chai dầu để ở gần đó xoa bóp. Đó là cách duy nhất mà người chị gái đáng thương này nghĩ rằng sẽ làm em đỡ đau đi một chút trong khi còn chưa có tiền đi bệnh viện. Nhìn cảnh hai chị em chăm nhau lúc này, chúng tôi ai nấy đều nghèn nghẹn, cổ họng như bị đóng băng không thể nói. Bố mẹ chết hết rồi, chỉ còn chị chăm em nhưng đói khổ quá, em dù đau cũng đành phải chịu vậy thôi, chứ chẳng biết sao được.
Chia tay chị Đặm để trở về Hà Nội, ngoái đầu lại nhìn tôi vẫn thấy dáng người đàn bà khốn khổ cứ cúi gằm để khâu từng mũi, từng mũi cho xong chiếc nón khi đêm về. 20 nghìn đồng ít ỏi, chị sẽ tích góp đến bao giờ mới đủ tiền cho em trai đi bệnh viện, tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng đó là công việc duy nhất để chị kiếm tiền trang trải cho mọi thứ. Phận người mỏng manh mà thử thách thì đầy tràn, không biết rồi hai chị em sẽ còn cầm cự được đến bao giờ nữa khi mà những cơn đau ngày một kéo đến dồn dập hơn...
(Theo Phạm Oanh/Dân Trí)