Bé trai 4 tuổi bị chó becgie nhà nuôi tấn công phải nhập viện cấp cứu

Thanh Hải 18/04/2019 16:23

PLBĐ - Chơi đùa trước sân nhà, bé trai 4 tuổi ở Hà Tĩnh sau khi vô tình vấp phải con chó becgie của gia đình đã bị con chó này lao vào cắn khiến bé phải nhập viện với vết thương vùng mặt, đầu.

Theo Người Lao Động thông tin, chiều nay 18.4, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết vào tối ngày 17.4, bệnh viện này có tiếp nhận một bệnh nhân là bé trai 4 tuổi, được bố mẹ đưa tới trong tình trạng có nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt do bị chó cắn.

Bác sĩ Lê Ngọc Thắng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, cho hay bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương phần mềm ở vùng mặt, trong đó có vết thương lóc da đầu dài khoảng 13 cm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành khâu liền các vết thương, tiêm uốn ván, kê đơn kháng sinh cho nạn nhân.

"Hiện, cháu bé đã được bố mẹ đưa về nhà để điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, để theo dõi các diễn biến bất thường có thể xẩy ra, bệnh viện đã yêu cầu gia đình phải đưa cháu tới khám định kỳ" - bác sĩ Thắng cho biết thêm.

chocan-1555570368444523708389
Vết thương trên đầu bé trai 4 tuổi do bị con chó becgie cắn. (Ảnh: Bệnh viện Hà Tĩnh)

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cách đây ít lâu, Vietnamnet có đưa tin, khoảng 19h tối ngày 10.4, con chó của gia đình anh Phan Hữu Long (trú thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ lao vào cắn 5 người dân, trong đó có em gái của anh Long và bé gái N.T.A.T. (5 tuổi).

Người dân hoảng loạn bắt giữ chó và đưa các nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương do chó cắn. Các nạn nhân sau đó được tiêm phòng dại.

Riêng bé gái N.T.A.T. bị thương nặng nhất, với nhiều vết thương sâu ở miệng, phải khâu 13 mũi. Ngoài ra, tay và chân của bé T. cũng bị chó cắn sâu, trầy xước.

cho-dien-can-be-gai-nhap-vien-roi-lan-dung-ra-chet
Bé N.T.A.T bị chó cắn khâu 13 mũi. (Ảnh: Vietnamnet)

Đáng nói, một ngày sau khi cắn 5 nạn nhân bị thương, con chó “điên” này lăn đùng ra chết.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày qua, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 trường hợp trẻ em bị chó cắn phải nhập viện cấp cứu.

Các bước xử lý khi bị chó cắn

Sau khi bị chó cắn, bất kể là chó khỏe mạnh hay chó ốm, người dân đều phải xử trí theo các bước như sau:

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy, gần cống nước chảy để các chất bẩn theo cống thoát đi, không bị đọng lại trên sàn tắm. 

Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus.

20388-xa-phong
Khi bị chó cắn cần nhanh chóng rửa vết thương bằng xà phòng diệt khuẩn.

Tiếp tục bôi cồn i-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. Cách làm này sẽ làm giảm thiểu tối đa virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Theo các bác sĩ, nếu xử lý tốt bước này, sẽ có tỷ lệ giảm tới 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh dại từ động vật.

Bước 2: Tiêm phòng dại

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật.

Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt. Với vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương thì chỉ cần tiêm vắc xin dại. Khi đi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

Thời gian tiêm phòng theo lộ trình người bệnh cần theo dõi từng biểu hiện của con chó. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần gặp ngay bác sĩ để được trợ giúp.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, không vì tức giận mà đánh hoặc giết chết chó mà phải cho nó ăn uống và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Trong vòng 10 – 15 ngày, nếu con chó cắn người có các dấu hiệu như bỏ ăn, ốm, mất tích hay chết thì phải lập tức đưa bệnh nhân đi tiêm phòng dại.

Đối với những trường hợp vết thương phức tạp, gần thần kinh trung ương thì cần phải sớm tiêm phòng dại và theo dõi con chó trong suốt 10 – 15 ngày. Nếu con chó đó bình thường thì mới ngừng tiêm.

T.H (th)

Thanh Hải