Năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi
Mới đây, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương”. Theo đó, dự tính đến năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi.
Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày. Với tốc độ gia tăng người mắc như hiện nay, con số ấy có thể lên tới 34.000 người mỗi năm. Dự tính đến năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi.
Nguyên nhân phổ biến chính là do hút thuốc, bao gồm cả chủ động và thụ động. Ung thư phổi 90% do hút thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.
Theo thống kê, 30% tỷ lệ mắc khối u phổi đều liên quan tới hút thuốc dài hạn. Ngoài ra, do các chất gây ung thư có thể hấp thụ dễ dàng qua phổi, dẫn đến tổn hại hệ thống, và do đó gây ra ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư miệng, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tụy.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến căn bệnh ung thư phổi là do ô nhiễm môi trường. Các dữ liệu cho thấy rằng ô nhiễm không khí là một trong những lý do nghiêm trọng gây ra ung thư phổi.
Trong đó phương pháp đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính được Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật này. Điều trị đốt u phổi bằng vi sóng là kỹ thuật gây hoại tử khối u tại chỗ bằng nhiệt. Công nghệ sử dụng sóng điện từ trong quang phổ năng lượng vi sóng, làm nóng tổ chức mô trong khoảng thời gian nhất định. Hiệu ứng nhiệt sẽ gây đông vón, hoại tử và làm chết tế bào trong phạm vi tác động của sóng ngắn.
Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân mắc u phổi ác tính nguyên phát loại không tế bào nhỏ đường kính ngang lớn nhất dưới 5 cm, áp dụng trên những bệnh nhân không muốn hoặc không thể phẫu thuật. Kỹ thuật này cũng chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có các nốt thứ phát đến phổi nhưng số lượng ít, bệnh nhân khối u đã lớn, với mong muốn điều trị giảm nhẹ.
Được biết, bệnh ung thư phổi hiện được xem là " sát thủ" hàng đầu trong nhóm bệnh ung thư về tỉ lệ người mắc và tử vong. Các chuyên gia kiến nghị, nếu sớm kiểm tra, chẩn đoán và điều trị thì hiệu quả sẽ cao hơn.
(Theo Nguyên Phúc/Sức khỏe & Đời sống)