Trước Nhà thờ Đức Bà Paris, hỏa hoạn đã thiêu rụi các di sản văn hóa thế giới nào?
PLBĐ - Vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15.4 (giờ Pháp) khiến cả thế giới bàng hoàng. Cùng điểm lại những vụ hỏa hoạn từng phá hủy các kiến trúc nổi tiếng trên thế giới.
Vụ hỏa hoạn xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame), một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở trung tâm thủ đô nước Pháp tối ngày 15.4, đã khiến nhà thờ này bị hư hại nặng nề.
Được biết, ngọn lửa cơ bản được khống chế từ khoảng 2 giờ sáng theo giờ Pháp, tức 7 giờ sáng 16.4 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đám cháy nhỏ bên trong nhà thờ, đặc biệt là phải bơm nước để làm nguội hiện trường trước nguy cơ một số vị trí có thể sụp đổ do nhiệt độ cao, đồng thời ngăn ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.
Theo một nguồn tin từ lực lượng cứu hộ, 2/3 diện tích Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị lửa tàn phá. Hỏa hoạn đã thiêu rụi phần mái vòm của nhà thờ 850 tuổi, cùng một cột tháp và nhiều thánh tích, tác phẩm nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, các nỗ lực dập lửa suốt đêm đã giúp giữ được cấu trúc chính và mặt tiền của nhà thờ, giúp cho khả năng khôi phục trong thời gian tới thuận lợi hơn.
Trong lịch sử nhân loại, nhiều vụ cháy lớn cũng đã xảy ra, phá hủy những công trình di sản văn hóa lớn của thế giới.
Dưới đây là một số di sản thế giới bị lửa hủy hoại:
Bảo tàng quốc gia Brazil (năm 2018)
Đêm ngày 2 rạng sáng 3.9.2018, bảo tàng quốc gia Brazil tại khu vực phía bắc thành phố Rio de Janeiro bị ngọn lửa hung hãn tàn phá. Bảo tàng nhân loại học và lịch sử tự nhiên lớn nhất khu vực Mỹ Latin này là nơi lưu giữ hơn 20 triệu cổ vật và 530.000 cuốn sách.
Được thành lập vào năm 1818, bảo tàng còn có bộ sưu tập lịch sử thiên nhiên đồ sộ gồm xương khủng long quan trọng và một bộ xương người 12.000 năm tuổi. Nhiều mẫu vật của các giống loài quý hiếm bị thiêu rụi sau vụ cháy, trong đó có xương của loài lười khổng lồ và loài hổ răng kiếm.
Hỏa hoạn tại Đại Chiêu cổ tự, Tây Tạng (năm 2018)
Ngày 17.2.2018, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại Đại Chiêu cổ tự, ngôi chùa cổ của Phật giáo Tây Tạng. Đây là ngôi chùa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, có lịch sử hơn 13 thế kỷ.
Ngôi chùa tọa lạc tại trung tâm thành phố cổ Lhasa, danh lam thánh tích Phật giáo nổi tiếng ở Barkhor, Tây Tạng.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khi người Tây Tạng khắp khu tự trị đang đón chào năm mới 2018 trong lễ tân niên truyền thống, cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Trung Quốc.
Cháy khu chợ 600 năm tuổi ở thành phố cổ Aleppo, Syria (năm 2012)
Vào tháng 9.2012, các trận chiến giữa phe đối lập và lực lượng quân đội chính phủ Syria bùng nổ khiến nhiều di sản văn hóa của Syria đã bị tàn phá nặng nề.
Trong số đó, khu chợ Al-Madina Souk, tọa lạc tại thành phố cổ Aleppo, đã bị thiêu rụi.
Al-Madina Souk được xây dựng từ thế kỷ 14, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1986.
Cháy cổng thành Sùng Lễ Môn (Sungnyemun), Hàn Quốc (năm 2008)
Ngày 10.2.2008, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại cổng thành Sùng Lễ Môn, còn gọi là Nam Đại Môn, trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 70 tuổi, là người đã gây ra vụ cháy trên. Người đàn ông này cho biết đã đốt cổng thành cổ nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội đối với ông.
Đây là một trong số ít những kiến trúc cổ tiêu biểu ở Seoul còn sót lại sau thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945) và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và đã được trùng tu nhiều lần, trong đó có lần gần nhất vào năm 1962.
Hỏa hoạn tại Nhà hát La Fenice, Italy (năm 1996)
Một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi Nhà hát La Fenice, ở Venice, Italy. Với âm thanh hoàn hảo, nhà hát La Fenice, khai trương năm 1972, được xem là một trong những nhà hát thính phòng lớn nhất thế giới.
Sau 8 năm kể từ sau vụ cháy trên, nhà hát La Fenice đã mở cửa trở lại vào năm 2004.
Nhà hát opera Barcelona (năm 1994)
Năm 1994, nhà hát Gran Teatre del Liceu của Barcelona (Tây Ban Nha) bị lửa thiêu rụi. Nhà hát Liceu là một trong những di sản văn hóa lớn nhất của Tây Ban Nha.
Nhà hát 150 năm tuổi bị thiêu rụi gần như hoàn toàn, chỉ còn lại sảnh chờ và mái vòm hình móng ngựa ở thính đường. Nhà hát được xây dựng lại và mở cửa vào năm 1999.
Lâu đài Windsor (năm 1992)
Ngày 20.11.1992, một ngọn lửa lớn đã làm cháy lâu đài Windsor, phía tây London (Anh), thiêu rụi phần phía đông bắc của công trình.
Ngọn lửa xuất phát trong quá trình sửa chữa định kỳ tòa lâu đài, sau đó lan rộng. Khoảng 250 lính cứu hỏa nỗ lực trong suốt 15 giờ mới kiểm soát được đám cháy nhưng thiệt hại là 9 căn phòng bị cháy rụi hoàn toàn. Lâu đài mở cửa trở lại vào năm 1997.
Cháy Thư viện quốc gia Bosnia (năm 1992)
Ngày 25 và 26.8.1992, Thư viện quốc gia Bosnia, một biểu tượng của thành phố Sarajevo, Bosnia, đã bị đổ sập và đốt cháy trong cuộc pháo kích của người Serb của Bosnia vào năm 1992.
Vụ đụng độ dẫn đến hỏa hoạn trên đã khiến gần 2 triệu cuốn sách cùng nhiều bản viết tay quý hiếm đã bị phá hủy.
Nơi đây trước kia là Hội trường thành phố Sarajevo (vào năm 1896), sau đó được chuyển đổi thành Thư viện quốc gia Bosnia (vào năm 1949).
Năm 2014, sau 22 năm bị phá hủy, Thư viện quốc gia Bosnia đã mở cửa trở lại. Thư viện này lưu giữ lại những kỷ vật về một thời khủng hoảng của nhân dân thành phố Sarajevo.
Cháy Nhà hát Lớn của Geneva, Thụy Sỹ (năm 1951)
Nhà hát Lớn của Geneva, Thụy Sỹ, được xây dựng từ thế kỷ 19, đã bị tàn phá nặng nề trong một vụ cháy do những sơ suất của quá trình chuẩn bị cho một buổi trình diễn nghệ thuật tại nhà hát.
Nhà hát sau đó đã được mở cửa trở lại vào năm 1962.
T.H(th)