Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1500 năm tuổi. Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ năm về phía đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Trấn Quốc lại được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương. Theo bảng xếp hạng mới đây trên trang Wanderlust, website nổi tiếng về du lịch của Anh, chùa Trấn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số 10 ngôi chùa có cảnh đẹp "đến mức khó tin" trên thế giới. Bài viết miêu tả: "Nằm trên một bán đảo nhỏ ở phía đông hồ Tây, Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Khung cảnh hồ nước tạo cho ngôi chùa sự hấp dẫn. Du khách đến đây được trao hương để thắp trong các đền nhỏ ở cả khu chùa này". Ngoài ra tờ báo uy tín Daily Mail (Anh) chọn là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa Trấn Quốc tự xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Cây bồ đề được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng - nơi đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. "Cây bồ đề mọc ra từ một nhánh lấy từ chính cây gốc ở Boh Gaya bên Ấn Độ, nơi Đức Phật đã ngồi tu và đạt Giác ngộ", Wanderlust miêu tả. Các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi chơi). Sau khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho bọn hoạn quan và cung nữ, còn chùa vẫn giữ được nguyên vẹn. Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý - Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11.2010. Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp. Chùa được thiết kế theo hướng Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông, gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Không chỉ trong dịp Tết mà nhà chùa liên tục mở cửa đón phật tử và nhân dân đến hành lễ, chiêm bái.Đặc biệt, trong đêm giao thừa tết Nguyên đán, nhà chùa mở cửa và tổ chức khóa lễ cầu nguyện cầu quốc thái dân an, đây là khóa lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chùa Trấn Quốc luôn là một danh thắng nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa cũng như Hà Nội ngày nay. (Theo Dân Việt)
Thanh Hải