Cổ phiếu Masan quay đầu sụt giảm sau ồn ào 18.000 chai tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản

Thanh Hải 09/04/2019 08:30

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (9.4), mã cổ phiếu MSN của Masan Group đi ngược hướng thị trường, quay đầu giảm nhẹ.

Cổ phiếu Masan Group có 2 ngày giao dịch liên tiếp tăng điểm, mức tăng tương ứng lần lượt 100 đồng (0,11%) và 500 đồng (0,57%) cho hai ngày 4.4 và 5.4.

Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng nay đã kết thúc chuỗi tăng này. Mã MSN mất 200 đồng mỗi cổ phiếu, xuống 88.100 đồng/cổ phiếu. Việc mất 0,23% mỗi cổ phiếu khiến vốn hóa Masan Group bay hơi hơn 230 tỉ đồng.

Cổ phiếu Masan giảm trong bối cảnh nhiều mã cổ phiếu đồng loạt tăng cao. Cụ thể, chốt phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 4,63 điểm lên 993,89 điểm, HNX-Index tăng 0,48 điểm lên 108,35 điểm.

Trong phiên, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính dẫn dắt đà tăng của thị trường, giúp VN-Index vượt qua 990 điểm.

GAS tăng 1,8% lên 105.700 đồng/cổ phiếu, PVB tăng 1% lên 21.000 đồng/cổ phiếu, PVD tăng 2,8% lên 20.050 đồng/cổ phiếu, PLX tăng 1% lên 62.000 đồng/cổ phiếu, PVS tăng 3,1% lên 23.100 đồng/cổ phiếu…

Bên cạnh đó, các mã như VCB, REE, BID, VHM, BVH, CTG, SAB… cũng tăng điểm giúp đà tăng được củng cố vững chắc. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng điểm ấn tượng.

Chỉ có VN-Index và HNX-Index tạm nghỉ trong sắc xanh và Upcom-Index lại giảm 0,16% còn 56,84 điểm.

Nhiều người cho rằng, cổ phiếu Masan quay đầu giảm nhẹ có thể là do ảnh hưởng từ thông tin bị Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su.

Trước đó vào ngày 2.4, chính quyền thành phố Osaka thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam.

photo-1-15547388355831986956429
Sản phẩm tương ớt Chinsu được bày bán phổ biến ở Việt Nam.

Cụ thể, lô 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su của Cty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa Axid benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản.

Nội dung vi phạm theo công bố tại cổng thông tin của thành phố Osaka là tương ớt Chin-su vi phạm điều 11 (2) của Luật Vệ sinh Thực phẩm. Theo đó, việc sử dụng axit benzoic không được chấp nhận trong tương ớt ở Nhật Bản.

Masan đã có thông tin chính thức liên quan đến vấn đề này. Theo đó, doanh nghiệp này khẳng định, tất cả các sản phẩm của Cty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

Masan cho biết, họ chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

(Theo Lao Động)

Thanh Hải