Xôn xao quy định "xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần"

Thanh Hải 29/03/2019 12:38

PLBĐ - Sự việc UBND xã Giao Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đưa ra quy định phạt tiền những gia đình làm cỗ nếu để khách lấy phần đang nhận được sự tranh luận gay gắt từ dư luận xã hội.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin liên quan đến việc chính quyền tại một số địa phương của huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu (Nam Định) “ép” mỗi gia đình phải đặt cọc 3 triệu đồng khi lên xã đăng kí tổ chức làm cỗ bàn. Và nếu chủ nhà để khách đến ăn cỗ lấy phần sẽ bị xử phạt đến 500 nghìn đồng một người.

Mục đích của quy định này là để vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, tổ chức cưới hỏi, cúng giỗ thì chỉ làm cỗ đủ ăn, người đến ăn cỗ cũng không lấy phần.

Hiện sự việc này đang gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.

nha-co-co-se-bi-xu-phat-neu-de-khach-an-co-lay-phan-1-1553707250-width800height533-1553828603-width800height533
Ảnh minh họa.

Người dân nói gì về quy định xử phạt chủ nhà để khách “ăn cỗ lấy phần”?

Trước những thông tin về sự việc, cư dân mạng tỏ ra tán thành, tuy nhiên nhiều người cũng tỏ ra khá bất bình .

Theo ghi nhận của báo Giao Thông, Facebooker Hà Phương chia sẻ: “Tôi tán thành chủ trương trên của chính quyền, như vậy sẽ xây dựng hình ảnh đẹp hơn trong xây dựng nếp sống nông thôn mới”.

Trái lại, một tài khoản Facebook khác có tên Duy Hưng bất bình: “Đây là việc đã được đưa vào hương ước của làng từ xưa đến nay, chính quyền tại sao lại bắt người dân đóng tiền cọc và phạt một cách vô lý như thế được”.

Khi bài viết về vụ việc phạt tiền chủ nhà nếu để khách đi ăn cổ lấy phần được chia sẻ trên fanpage của Báo điện tử Dân Việt bạn đọc cũng đã bày tỏ nhiều ý kiến tranh luận về việc này.

“Có gì xấu đâu mà cấm, mình ở trong miền Nam nhưng thấy phạt như vậy là kỳ lắm, ngoài khía cạnh cái ăn nó còn là tình cảm cho cháu con nữa”, bạn đọc Lương Ngọc Châu nêu ý kiến.

“Tục lệ xưa nếu không phù hợp thì vận động người dân bỏ cũng đúng. Điều này nghe qua có vẻ không đúng lắm vì là phong tục vì ngày xưa nghèo quá. Nên bỏ để giúp gia đình có tiệc đỡ tốn kém. Nhưng cần vận động để bà con hiểu và tự nguyện bỏ, không nên đưa ra hình phạt. Làm văn hóa mà dùng hình thức phạt tiền là không đúng”, bạn đọc Lan Phương nhấn mạnh.

Lãnh đạo địa phương lên tiếng về việc xử phạt “ăn cỗ lấy phần”

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy, xác nhận trên địa bàn huyện có một số xã quy định phạt việc ăn cỗ lấy phần. 

"Quy định này xuất phát từ nghị quyết của Ban thường vụ huyện ủy về tăng cường quản lý nhà nước trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ,... Từ đó, chúng tôi đưa ra cuộc vận động "làm cỗ đủ ăn" và "ăn cỗ không lấy phần", ông Mạnh giải thích.

Theo ông Mạnh, việc ăn cỗ lấy phần không sai nhưng cỗ làm la liệt ăn không hết, mỗi người nhón một tí tạo ra hình ảnh không văn minh. Theo pháp lệnh dân chủ cơ sở, người dân trong một số xã được chưng cầu ý kiến, họp bàn rồi đưa ra HĐND xã quyết định việc ăn cỗ không lấy phần.

Bước đầu để đi vào kỷ cương, một số xã yêu cầu các cặp đôi lên đăng ký kết hôn đặt cọc trước một khoản tiền. Nếu chấp hành nghiêm quy định thì được trả lại tiền luôn, còn nếu không chấp hành thì tiền đó đưa vào quỹ xây dựng địa phương.

"Sau khi thực hiện, chúng tôi cũng lăn tăn, cho rằng địa phương không nên làm như vậy. Thay vì xử phạt, chủ yếu nên tuyên truyền, vận động nhân dân bằng lòng tự giác, ý thức trách nhiệm", ông Mạnh nói.

Lãnh đạo huyện Giao Thủy cho biết nhiều xã đã bỏ việc xử phạt. Quan điểm của huyện là nếu còn xã nào áp dụng thì tới đây cũng yêu cầu bỏ hết.

img_20190329_101251-01_owyh
Ảnh minh họa.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Khôi, Trưởng phòng Văn hoá huyện Giao Thuỷ cũng cho biết không có chuyện chính quyền địa phương ép người dân đóng số tiền 3 triệu đồng. “Lấy phần tuy là một nét văn hoá nhưng không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nên chúng tôi đã chủ yếu vận động bà con. Một số địa phương người dân đã đưa sự việc lấy phần vào hương ước của làng xã”, ông Khôi nói.

Ông Khôi cũng cho biết thêm, nếu có việc đóng tiền cọc thì chỉ là tạm ứng vào quỹ của thôn, xóm chứ không hề có sự việc chính quyền ép buộc người dân. “Từ đó tới nay chưa có ai bị phạt hết, mọi người dân tại địa phương rất tự giác nên thông tin bị ép buộc là hoàn toàn không đúng”, ông Khôi nói.

Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần của các UBND xã thuộc huyện Giao Thủy là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nó làm mất đi một nếp sống văn hóa đã tồn tại từ lâu đời. Chính việc làm của các UBND xã mới là không có văn hóa”.

16708409_10212004120568186_4246077394837716733_n-1553828626-width960height960
uật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định việc xử phạt ăn cỗ lấy phần là trái pháp luật. 

Theo luật sư, việc xử phạt hành chính cần phải có biên bản xử phạt, quyết định xử phạt và tuân theo trình tự về việc xử lý vi phạm hành chính.

“Theo tôi, trong câu chuyện xử phạt chủ nhà có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định cần phải ngay lập tức rà soát lại, nếu có hành vi trên phải ngay lập tức ngăn chặn việc làm trái pháp luật của các UBND xã. Đồng thời cần phải làm rõ từ trước tới nay những tiền phạt ấy đi về đâu, hạch toán vào đâu để xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật”  - Luật sư bày tỏ quan điểm.

T.H(t/h)

Thanh Hải