Hà Nội tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát
PLBĐ - Đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11, tuy nhiên mới đầu tháng 3, dịch bệnh đã gia tăng trở lại ở Hà Nội. Hiện Thủ đô đang rất chú trọng vào công tác phòng chống bệnh dịch.
Bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 18-24/3) số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng.
Đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 42.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. Hà Nội đã ghi nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018), bệnh nhân xuất hiện rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt, theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mới tháng 3, dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng.
Theo báo Công Lý cho hay, nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao nguyên nhân là do khí hậu thời tiết thuận lợi cho vi rút và muỗi truyền bệnh tồn tại và phát triển.
Cụ thể, hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 và dự báo đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn... Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao sẽ tập trung ở các khu vực mật độ dân cư đông, các khu lao động, khu công nhân và sinh viên thuê trọ.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ phải tốn kém về kinh tế và gặp khó khăn trong quá trình điều trị nếu không xử lý sớm.
Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã đưa ra lời khuyến cáo trên Trí Thức Trực Tuyến rằng, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà.
Sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.
Rà soát, tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết
Như báo Công Lý đã đăng tải, để chủ động phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống sốt xuất huyết nói riêng, ngay từ cuối tháng 12/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế và UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội với các tình huống cụ thể.
Đồng thời, trung tâm đã rà soát bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, máy móc và hóa chất đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, những ngày qua, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Thanh Xuân là quận nội thành có mật độ dân cư đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, làm ăn sinh sống, điều kiện sống không ổn định dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường phức tạp, vì vậy, việc phòng bệnh tại đây được chú trọng.
Tại quận Hai Bà Trưng, trung tâm y tế quận đã phối hợp với các với phường tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Nhiều phường trên địa bàn đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi; điển hình như tại phường Đồng Nhân, việc phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực trọng điểm như ký túc xá Đại học Dược Hà Nội, trường Trung học cơ sở Trưng Nhị, khu đất trống, nhà vệ sinh công cộng... đã được thực hiện.
Cũng như các địa phương, huyện Sóc Sơn cũng tập trung cao cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, phòng chống sốt xuất huyết đến cơ quan, đơn vị, doang nghiệp, trường học và UBND các xã triển khai tốt công tác phòng chống dịch; đồng thời chú trọng đến công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền đến tận nhà dân để người dân tự giác thực hiện vệ sinh môi trường thu gom xử lý các dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy.
Các trung tâm y tế huyện thành lập đoàn kiểm tra tất cả các ổ dịch cũ và các điểm nguy cơ như các công trình xây dựng, khu công cộng, khu nhà trọ... nhằm đánh giá yếu tố nguy cơ, tiến hành phun xử lý môi trường diệt muỗi trưởng thành.
Các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết
Trước tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
T.H (th)